Đầu tư vàng cũng lắm rủi ro

Trước tình trạng người dân xếp hàng mua vàng bình ổn, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi các cảnh báo người dân cần thận trọng trong mua bán vàng. Nhìn vào những biến động giá vàng thời gian qua phần nào cảm nhận được, người đầu tư vàng đang khá mạo hiểm.

 Người dân mua vàng ngày vía thần tài

Người dân mua vàng ngày vía thần tài

Cách đây 4 năm khi lãi suất chạm đáy, nhiều người tận dụng lợi thế nguồn vốn giá rẻ tập trung đầu tư vào bất động sản. Một vài thời điểm, giá đất ở các vùng ghi nhận tăng đột biến từ 30 - 40% trong một năm, cá biệt, có khu vực tăng gấp đôi. Chuyện nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ 20-30% giá trị bất động sản là điều không hiếm. Cùng với đó, nhiều chiêu trò thổi giá, thao túng thị trường bắt đầu xuất hiện.

Câu chuyện đấu giá bỏ cọc ngày càng nhiều. Chỉ đến khi nguồn vốn giá rẻ hết thời, lãi suất tăng, room tín dụng thu hẹp, những dấu hiệu “bong bóng bất động sản” mới thừa dịp “phát nổ", thanh khoản thị trường giảm tốc. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu “tháo chạy” khỏi thị trường này.

Hiện tại, thanh khoản khu vực này vẫn chưa “dễ thở” hơn. Nhiều nhà đầu tư buộc phải bán lỗ bất động sản, số khác cầm cự trả lãi vay. Cùng với đó, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những “cú sốc”, nhiều nhà đầu tư liên tục thua lỗ. Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn vì thế cũng tăng lên, điều này phần nào cho thấy những vấn đề “bất ổn” của thị trường đầu tư.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho thấy, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2023 ở mức 1.057 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,34% (cao hơn mức tỷ lệ 0,72% vào thời điểm cuối năm 2022). Chất lượng tín dụng đối với nợ nhóm 2 theo báo cáo phân loại nợ của các ngân hàng thương mại cũng ở mức 1.343 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng nợ là 1,83% cao nhất trong những năm qua.

Bất động sản, chứng khoán giảm sức hút, trong khi lãi suất huy động đang chạm đáy. Hiện, lãi suất huy động mà các ngân hàng đang niêm yết thấp hơn so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Cộng với những vấn đề bất ổn của chính trị thế giới, vàng trở thành điểm trú ngụ mới cho nhà đầu tư.

Câu chuyện người dân xếp hàng mua vàng tại các địa phương xuất hiện từ thời điểm tháng 3/2024 đến nay là minh chứng. Tuy nhiên, trên địa bàn Thừa Thiên Huế chỉ sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng bình ổn, tình trạng này mới xuất hiện tại cửa hàng SJC Huế. Dù chỉ xảy ra cục bộ, thời gian ngắn nhưng đây cũng là một việc hiếm thấy trên địa bàn.

Theo quan điểm của một số cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn, người Huế rất ngại đầu tư. Mua vàng chủ yếu để tiết kiệm hoặc phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như cưới hỏi là chính nên rất ít có hiện tượng mua, bán đột biến. Người Huế chỉ thường tập trung mua vàng dịp vía thần tài để cầu may mắn, còn lại thị trường khá bình ổn. Thậm chí, nhiều thời điểm tại các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh người dân tập trung rất đông để mua vàng thì tại Huế tình trạng này không xảy ra.

Có nhiều nhận định xung quanh câu chuyện người dân xếp hàng mua vàng bình ổn, song Ngân hàng Nhà nước đã không ít lần phát đi các cảnh báo người dân cần thận trọng trong mua bán vàng; đồng thời khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường. Song, tình trạng này vẫn chưa cải thiện.

Rất khó để xác định nhu cầu thực tế của người dân, mua vàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, hay nhu cầu tiết kiệm, đầu tư. Tuy nhiên đã đầu tư thì rủi ro thị trường là điều khó tránh khỏi.

Nhìn lại giá vàng, trong thời điểm giá vàng trong nước leo thang, chênh lệch giá vàng trong nước, thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng, còn hiện tại khoảng cách này đã thu hẹp chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/lượng. Nhiều người am hiểu thị trường dễ dàng nhận ra, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước là một rủi ro trong đầu tư. Chưa nói đến chênh lệch giữa mua vào và bán ra cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng kéo giãn từ khoảng 1 triệu đồng/lượng lên 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Vì thế, mua bán vàng trong thời điểm này là điều nên cân nhắc.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán; thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Với sự phối hợp, nhập cuộc của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cùng với nhiều chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong minh bạch thị trường vàng, hy vọng sẽ đưa vàng về đúng quỹ đạo, ngăn chặn hành vi thao túng thị trường.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/dau-tu-vang-cung-lam-rui-ro-142149.html
Zalo