Đầu tư chứng khoán thế nào để đạt hiệu quả
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận đà phục hồi vượt bậc, các chuyên gia dự báo triển vọng tích cực cho nửa cuối năm 2025. Đồng thời cho rằng, với các chính sách vĩ mô linh hoạt, dòng tiền mạnh mẽ và xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu, nhà đầu tư (NĐT) cần xây dựng chiến lược linh hoạt, ưu tiên cổ phiếu cơ bản tốt, đồng thời quản trị rủi ro chặt chẽ để tối ưu hóa lợi nhuận trong giai đoạn đầy tiềm năng này.
Thị trường phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tích cực
TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, chỉ số VN-Index đã trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh từ mức 1.340 điểm xuống mức thấp nhất 1.073 điểm trong tháng 4/2025, song nhanh chóng phục hồi và vượt vùng kháng cự quan trọng 1.350 -1.355 điểm. Hơn thế nữa, chỉ số này đã xác lập đỉnh mới trong 3 năm qua, hướng tới mục tiêu 1.380 -1.400 điểm trong quý III/2025. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao trong thời gian dài, phản ánh niềm tin của NĐT được củng cố đáng kể.
Đặc biệt, sự phân hóa giữa các nhóm ngành đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư, với các lĩnh vực như cảng biển, bất động sản, nông nghiệp và tài chính dẫn đầu, được hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô hỗ trợ, dòng tiền mạnh mẽ và xu hướng phục hồi kinh tế. Dòng tiền trong nước, đặc biệt từ NĐT cá nhân và tổ chức nội, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chỉ số chung, tạo nền tảng cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững hơn.
Dưới góc nhìn của mình, PGS. TS. Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris cho rằng, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 8% từ đầu năm 2025. Mặc dù phải đối mặt với các phiên điều chỉnh mạnh do bất ổn về thuế quan và xung đột địa chính trị, các yếu tố thuận lợi trong nước đã giúp thị trường phục hồi và vươn lên mạnh mẽ.
Với các chính sách kinh tế rõ ràng và triển vọng ổn định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK trong nửa cuối năm.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2025 cũng cho thấy sự khả quan rõ nét, dù có sự phân hóa giữa các ngành. TS. Lê Đức Khánh nhận định, các chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ, bao gồm hỗ trợ đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh, đã tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng và hạ tầng, phản ánh niềm tin quốc tế vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Các ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, tài chính - bảo hiểm, logistics và bán lẻ ghi nhận sự cải thiện đáng kể về doanh thu và lợi nhuận. Trong khi đó, ngành bất động sản, vốn chịu nhiều áp lực trước đây, bắt đầu ghi nhận tín hiệu phục hồi tại các phân khúc như nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp và các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh.

Nhà đầu tư nên kiên nhẫn để đạt kết quả tốt
Chiến lược đầu tư linh hoạt và quản trị rủi ro chặt chẽ
Bước sang nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ nhờ sự kết hợp của các yếu tố trong nước và quốc tế. TS. Lê Đức Khánh cho biết, các bất ổn toàn cầu đang dần lắng dịu, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính.
Năm 2025 là năm then chốt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, với tổng vốn giải ngân lên tới 791.000 tỷ đồng. Các dự án hạ tầng trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc liên vùng và các chương trình phát triển năng lượng thế hệ mới, đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai. Đồng thời, chính sách giảm 2% thuế VAT kéo dài đến hết năm 2026 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh đơn vị hành chính từ ngày 1/7/2025 sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại địa phương, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất. Những yếu tố này tạo cơ sở vững chắc để TTCK duy trì xu hướng tăng, với VN-Index được dự báo hướng tới vùng 1.400 - 1.450 điểm.
PGS. TS. Võ Đình Trí đánh giá, “bộ tứ” Nghị quyết trụ cột và các chính sách kinh tế mới sẽ là lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố quốc tế sẽ cải thiện thanh khoản toàn cầu, mang lại lợi thế cho Việt Nam. Các ngành vật liệu xây dựng, nguyên liệu cơ bản, bất động sản và y tế được dự báo sẽ thu hút dòng tiền mạnh mẽ, đặc biệt là bất động sản, khi dòng vốn tín dụng bắt đầu chảy vào, giúp một số doanh nghiệp trong ngành phục hồi và phát triển.
Về chiến lược đầu tư, TS. Lê Đức Khánh cho rằng, NĐT cần xây dựng chiến lược linh hoạt, kết hợp giữa đầu tư giá trị và tăng trưởng. Đối với NĐT dài hạn, nên ưu tiên tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, định giá hấp dẫn trong các ngành hạ tầng, tài chính, công nghệ và tiêu dùng, đặc biệt là các lĩnh vực như tài chính - chứng khoán, bảo hiểm, cảng biển - logistics, xây dựng - vật liệu xây dựng, hóa chất và dệt may. Đồng thời, cần sẵn sàng cơ cấu danh mục khi thị trường tăng mạnh để tối ưu hóa tỷ trọng và kiểm soát rủi ro.
Trong ngắn hạn, cơ hội đến từ các cổ phiếu thanh khoản tốt, có sóng tăng giá nhờ kết quả kinh doanh tích cực, tin tức hỗ trợ hoặc dòng tiền quay lại. Quản trị rủi ro là yếu tố then chốt, với khuyến nghị giải ngân từng phần, tránh mua đuổi khi thị trường tăng nóng, và theo dõi sát các nhịp điều chỉnh để tối ưu hóa điểm mua. Trong bối cảnh thị trường phân hóa, khả năng chọn lọc cổ phiếu và tính kỷ luật trong giao dịch sẽ quyết định thành công của NĐT trong nửa cuối năm 2025.
PGS.TS. Võ Đình Trí thì khuyến nghị NĐT cần kiểm soát tâm lý chặt chẽ trong bối cảnh các yếu tố bất định từ chính sách quốc tế. Nếu nội tại của cổ phiếu được chọn vẫn ổn định, NĐT nên kiên nhẫn để đạt kết quả tốt. NĐT cần duy trì chiến lược chọn lọc, tập trung vào các cổ phiếu có hiệu quả hoạt động cải thiện và triển vọng tăng trưởng rõ ràng, đồng thời ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh thị trường còn biến động.