Đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo mục tiêu kép

HNN - Từ năm 2018, sau khi có quy hoạch thủy lợi tỉnh (nay là thành phố), bằng nhiều nguồn vốn hợp pháp khác nhau, trên địa bàn đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Xung quanh vấn đề này, Huế ngày nay Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

 Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Biến đổi khí hậu thành phố

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Biến đổi khí hậu thành phố

Ông có thể đánh giá về hiện trạng hồ, đập hiện nay và công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi?

Toàn thành phố hiện có 56 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 770 triệu m3. Trong đó, có 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) quản lý là hồ Tả Trạch và 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa, 30 hồ chứa nước loại nhỏ. Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi thành phố (Công ty Thủy lợi) hiện đang quản lý 23 hồ chứa nước loại lớn, vừa và nhỏ; các địa phương quản lý 32 hồ chứa nước loại vừa và nhỏ khác.

Công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi đã được các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng các nội dung quy định tại Luật Thủy lợi, các nghị định và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác PCTT trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, vẫn còn một số nội dung quy định chưa được thực hiện đầy đủ, do đa số các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý, khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước. Bên cạnh đó, việc kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du... cần có kinh phí lớn để triển khai, song ngân sách của các địa phương, đơn vị còn khó khăn nên chưa thể bố trí để thực hiện.

Như ông đã nêu, việc kiểm định hồ, đập hiện vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Vậy trong các hồ chứa nước trên địa bàn, công tác này được thực hiện đến đâu?

Theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hiện toàn thành phố có 4 hồ chứa đã được kiểm định, bao gồm hồ Thủy Yên, Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang. Ngoài ra, Tiểu dự án Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập (WB8), các địa phương và Công ty Thủy lợi đã hoàn thành sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 11 hồ chứa nước. Như vậy, có 15/55 hồ chứa nước đã được kiểm định an toàn đập, các hồ còn lại đã đến thời hạn kiểm định nhưng chưa thực hiện được. Trước mắt, các đơn vị liên quan sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các hồ chứa nước cần thiết phải kiểm định kịp thời.

Hồ Khe Ngang (phường Long Hồ) vừa được nâng cấp, sửa chữa

Hồ Khe Ngang (phường Long Hồ) vừa được nâng cấp, sửa chữa

Đối với các hồ chứa nước còn lại, hàng năm, Sở NN&MT, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thành phố đều tiến hành các đợt kiểm tra an toàn để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố, quá trình vận hành của công trình để có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn trước và sau mùa mưa lũ. Các địa phương có đập, hồ chứa nước, Công ty Thủy lợi chủ động thành lập các đoàn kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố nhằm đảm bảo công trình luôn vận hành ổn định và an toàn.

Đối với các hồ chứa nước vừa và nhỏ được UBND cấp xã giao cho các tổ chức hợp tác xã quản lý, vận hành. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý, vận hành các công trình thủy lợi thuộc các hợp tác xã hầu hết chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực liên quan đến quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nên công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, sửa chữa hư hỏng nhỏ chưa được quan tâm đúng mức.

Thưa ông, để phát huy vai trò phục vụ sản xuất, vận hành ứng phó với thiên tai và BĐKH, thời gian qua, công tác đầu tư cho thủy lợi được thực hiện như thế nào?

Việc đầu tư, nâng cấp thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, BĐKH thời gian qua được thành phố rất quan tâm.

Được sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, trong những năm qua nhiều công trình đập, hồ chứa nước, kè biển, trục thủy đạo thoát lũ, hệ thống đê… trên địa bàn thành phố đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa để nâng cao an toàn công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, chống xói lở, bảo vệ dân cư và phục vụ sản xuất, thích ứng với BĐKH. Có thể kể đến như Tiểu dự án Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập (WB8) đã hoàn thành đầu tư sửa chữa, nâng cấp 9 hồ với tổng mức đầu tư gần 125 tỷ đồng; hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp hệ thống kè ứng phó sạt lở bờ biển; gần 300 tỷ đồng đầu tư hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê; gần 350 tỷ đồng sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long; 700 tỷ đồng kè bờ sông Hương và các sông khác…

Trong điều kiện nguồn ngân sách của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, Sở NN&MT đã tham mưu UBND thành phố xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương, các dự án và các nguồn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

Để các công trình thủy lợi phát huy công năng, đặc biệt an toàn trong mùa mưa lũ, với vai trò quản lý nhà nước về thủy lợi, ngành có những đề xuất gì?

Theo quy hoạch thủy lợi thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, tổng kinh phí đầu tư thủy lợi trong giai đoạn này gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2025 hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.875 tỷ đồng và đầu tư cho giải pháp phi công trình 165 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2035 gần 6.000 tỷ đồng, gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.618 tỷ đồng và đầu tư cho giải pháp phi công trình 281 tỷ đồng.

Hàng năm, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ, chủ động các giải pháp bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Thiên tai xảy ra bất thường với tần suất, cường độ ngày càng gia tăng. Các quy định pháp luật đan xen, thiếu hành lang pháp lý cho phát triển các hoạt động đa mục tiêu, đa giá trị công trình và kinh phí Nhà nước cấp không đảm bảo để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình được quy định tại Luật Thủy lợi. Do đó, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong quá trình quản lý, vận hành và khai thác, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt chính sách về thủy lợi, khai thác đa mục tiêu, đa giá trị công trình, Sở đã tham mưu UBND thành phố đề xuất Chính phủ, bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Hỗ trợ ngân sách cho thành phố để thực hiện các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hà Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/dau-tu-cac-cong-trinh-thuy-loi-dam-bao-muc-tieu-kep-155752.html
Zalo