Đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu: Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?

Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, song nhiều nước láng giềng đã có ca bệnh, khả năng dịch xâm nhập rất cao. Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Y tế và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam vào chiều 24/7, nhiều giải pháp về phòng, chống căn bệnh này được đưa ra.

Đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành mối lo ngại toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, song nhiều nước láng giềng đã có ca bệnh, khả năng dịch xâm nhập rất cao. Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Y tế và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam vào chiều 24/7, nhiều giải pháp về phòng, chống căn bệnh này được đưa ra.

Bảo vệ nhân viên y tế

Sau gần 3 tháng bùng phát ra bên ngoài châu Phi, đậu mùa khỉ chính thức trở thành mối đe dọa lớn cho toàn thế giới, với tốc độ lây lan nhanh và số người mắc đang tăng mạnh ở nhiều nước. Đặc biệt, đã xuất hiện trẻ em ngoài châu Phi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, tại Mỹ đã phát hiện 2 trẻ em nhiễm đậu mùa khỉ, có khả năng là hệ quả của lây truyền trong gia đình. Mối lo bệnh đậu mùa khỉ bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh trên thế giới và đã xuất hiện tại một số nước láng giềng với Việt Nam.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh trên thế giới và đã xuất hiện tại một số nước láng giềng với Việt Nam.

Ngày 23/7, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, nguy cơ do bệnh đậu khỉ gây ra hiện nay trên toàn cầu là vừa phải nhưng mối đe dọa cho châu Âu ở mức cao. Nguy cơ virus sẽ tiếp tục lây lan khắp thế giới, mặc dù nó không thể làm gián đoạn thương mại hoặc du lịch của toàn cầu ngay lập tức.

Trước tình trạng “nóng” trên, chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng Văn phòng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các các cơ quan đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó dịch.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 24/7, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ ghi nhận ca nhiễm ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã phân tích nguy cơ dịch xâm nhập và tìm các biện pháp ứng phó. Theo BS Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam thì Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Vì vậy, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế, đây là những người có nguy cơ cao.

Theo chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần, tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Lương Tâm, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh. Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn nên việc ứng phó rất cấp thiết.

Chủ động và quyết liệt trong dự phòng

Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song theo CDC Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ giống với bệnh đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng virus bệnh đậu mùa để điều trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Biểu hiện của người mắc đậu mùa khỉ thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Ban của bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu trong 1-3 ngày khởi sốt; tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Theo các chuyên gia, chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ mà một số nước đang tiêm vaccine đậu mùa thế hệ mới để phòng căn bệnh này. Tuy nhiên, vaccine đậu mùa đang thiếu hụt do căn bệnh này đã được xóa sổ trên toàn thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước nên các loại vaccine thế hệ đầu không còn được tiêm cho người dân. Cơ quan y tế Mỹ và Anh cho biết, vaccine đạt tác dụng bảo vệ cao nhất nếu tiêm càng sớm càng tốt. Đối với người đã phơi nhiễm nên tiêm trong vòng 4 ngày để ngăn ngừa và giảm thiểu triệu chứng.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 vừa qua, trước nguy cơ các ca bệnh xâm nhập, cần phải hết sức chủ động và quyết liệt trong công tác dự phòng, ứng phó thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trước mắt, kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur. Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin hàng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh để báo cáo kịp thời lên Chính phủ khi có tình huống bất thường xảy ra. Kiểm dịch y tế chặt chẽ biên giới, cửa khẩu để phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ.

Trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng đề xuất giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường sự tham gia giám sát giữa những cơ sở phòng, chống dịch HIV/AIDS để cùng giám sát, dự phòng cho nhóm đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ lưỡng giới, người làm nghề mại dâm. “Đặc biệt, phải tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới”, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.

Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng, chống; cán bộ tại các cơ sở y tế về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, chăm sóc điều trị khi có ca bệnh trong cộng đồng.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/dau-mua-khi-la-tinh-trang-y-te-khan-cap-toan-cau-viet-nam-se-ung-pho-ra-sao--i661640/
Zalo