Đâu là điểm nghẽn của thị trường tín chỉ carbon?
Các chuyên gia cho rằng, để biến tín chỉ carbon thành động lực tăng trưởng xanh, cần một cú hích về thể chế, nhân lực và công nghệ ngay từ bây giờ.
Đi tìm nguyên nhân
Dù đã có nhiều cam kết rõ ràng trên hành trình tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam vẫn đang gặp những trở lực nội tại, mà theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường, chính là năng lực hạn chế về con người, tiếp cận công nghệ và khả năng điều hành thị trường.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Lê An
“Chúng ta chưa có một thị trường carbon đúng nghĩa với đầy đủ các yếu tố: hệ thống vận hành, tổ chức quản lý, thành viên giao dịch và đặc biệt là công cụ đo lường, xác minh hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng tín chỉ tạo ra không thể lưu thông, nhất là trên thị trường quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ nhận định tại diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 sáng ngày 18/7.
Đáng chú ý, một rào cản đặc biệt lớn đến từ yêu cầu trong Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, quy định tín chỉ carbon muốn bán ra thị trường quốc tế phải được Chính phủ ủy quyền, nghĩa là Việt Nam cần chứng minh lượng giảm phát thải từ các dự án là “phần dư” so với cam kết quốc gia (NDC). Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế kiểm đếm, xác minh và tính toán được phần dư này, khiến toàn bộ hoạt động xuất khẩu tín chỉ carbon quốc tế đang bị “đóng băng”.
Trong khi đó, các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia hay Philippines đã có những bước tiến đáng kể. Singapore thậm chí đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu. “Chúng ta buộc phải tạm dừng để nghiên cứu thêm và củng cố nội lực, trước khi chính thức vận hành thị trường một cách độc lập, hiệu quả”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
Ngoài năng lực kỹ thuật và thể chế, một vấn đề nan giải khác là sự thiếu hụt thông tin dành cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường tín chỉ carbon vận hành.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần xem việc phát triển thị trường carbon là một bài toán giáo dục. Theo đó, Chính phủ nên kết hợp cùng các tổ chức quốc tế, hiệp hội và viện nghiên cứu để xây dựng nền tảng thông tin chung như cổng thông tin, phần mềm dùng chung, diễn đàn chuyên môn, nơi người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, học hỏi và kết nối với các chuyên gia.
Hiện nay, các công cụ MRV (đo lường, báo cáo, xác minh) rất tốn kém và gần như ngoài tầm với của các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ chế chia sẻ công cụ, từ phần mềm đến dữ liệu, cũng như các chương trình đào tạo, truyền thông để phổ biến kiến thức về thị trường carbon một cách bài bản.
“Chúng ta nói nhiều về tín chỉ carbon, nhưng người dân vẫn chưa hiểu rõ về hàng hóa này, nó đến từ đâu, được định giá như thế nào và ai có thể tham gia thị trường. Muốn thị trường vận hành trơn tru, việc phổ cập kiến thức là bắt buộc”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định.
Bức tranh đa sắc của tín chỉ carbon
Cũng tại diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, bà Betty Palard, CEO của ESG Climate Consulting cho rằng, tín chỉ không chỉ là công cụ giảm phát thải mà còn là “loại tiền tệ mới” giao thoa giữa bốn lĩnh vực: Thiên nhiên, tài chính, tài sản quốc gia và tri thức công nghệ.

Bà Betty Palard, CEO của ESG Climate Consulting. Ảnh: Lê An
Theo bà Betty Palard, tín chỉ carbon không đồng nhất mà được phân loại dựa trên cách thức tạo ra. Hiện nay, có ba nhóm chính: Tín chỉ carbon trắng, xanh lá cây và xanh dương, mỗi loại tương ứng với một hướng phát triển khác nhau.
Tín chỉ carbon trắng được tạo ra từ các công nghệ tiên tiến do con người phát triển. Điển hình là các thiết bị thu giữ trực tiếp CO2 từ khí quyển và lưu trữ chúng trong nội thất hoặc vật liệu xây dựng. Đây là "sân chơi" của các công ty công nghệ cao, nơi đầu tư lớn đi kèm với hiệu quả giảm phát thải đáng kể.
Tín chỉ carbon xanh lá cây gắn liền với hệ sinh thái rừng. Cây xanh hấp thụ CO2, nhưng điều quan trọng là lượng carbon đó phải được lưu trữ bền vững dưới đất, càng lâu dài, tín chỉ càng có giá trị. Các hoạt động bảo vệ rừng, trồng rừng và phục hồi đất rừng chính là nguồn gốc của loại tín chỉ này.
Tín chỉ carbon xanh dương ít được biết đến hơn, nhưng lại có tiềm năng lớn, khi đại dương và các vùng nước mặt có khả năng hấp thụ CO2 vượt trội. Tuy nhiên, việc đo đếm và chứng minh hiệu quả giảm phát thải của môi trường nước vẫn đang là một bài toán khoa học đầy thử thách.
“Tín chỉ carbon không dành riêng cho bất kỳ ai. Đây là "sân chơi" mở cho mọi người, mỗi cá nhân hoặc tổ chức có thể tham gia theo thế mạnh riêng, từ bảo tồn rừng, quản lý đất đai, bảo vệ nguồn nước đến phát triển công nghệ thu giữ khí thải. Điều quan trọng là tìm đúng vai trò và cơ hội của mình”, bà Betty Palard chia sẻ.
Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn đầu tiên trên thị trường này. Trong năm 2024, quốc gia đã nhận khoản chi trả lên đến 51,5 triệu USD cho kết quả giảm phát thải đã được xác minh thông qua cơ chế REDD+, bao gồm việc hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon bằng trồng và tái tạo rừng. Đây là lần đầu tiên một quốc gia ở Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản chi trả dựa trên kết quả phát thải thực tế.

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại diễn đàn. Ảnh: Lê An
Tín chỉ carbon đang từng bước chuyển mình từ khái niệm học thuật thành một công cụ tài chính cụ thể, với giá trị thương mại rõ ràng. Nhưng để Việt Nam thực sự khai thác hiệu quả thị trường này, cần một chiến lược tổng thể: từ nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ, đến việc mở rộng cơ chế chia sẻ, nhằm tạo điều kiện cho tất cả các thành phần xã hội cùng tham gia.
Chỉ khi đó, tín chỉ carbon mới có thể phát huy đúng vai trò: vừa là công cụ giảm phát thải, vừa là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế xanh trong kỷ nguyên Net Zero.
Thị trường tín chỉ carbon không chỉ là công cụ giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội tài chính mới cho Việt Nam trong hành trình hướng tới Net Zero. Tuy nhiên, để biến carbon thành dòng tiền thực sự, Việt Nam cần vượt qua điểm nghẽn về năng lực, hoàn thiện thể chế, phổ cập kiến thức và tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế cùng tham gia thị trường xanh toàn cầu.