Dấu hiệu người tiêu dùng Mỹ bắt đầu 'lãnh đòn' thuế quan

Giá các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc và bán trên nền tảng bán lẻ Amazon.com đang tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát chung.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo một phân tích độc quyền do công ty dữ liệu DataWeave thực hiện cho hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), giá các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc và bán trên nền tảng bán lẻ Amazon.com đang tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát chung. Đây là dấu hiệu cho thấy các mức thuế do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đang bắt đầu tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

Kết quả phân tích hơn 1.400 sản phẩm cho thấy giá hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh kể từ tháng 5/2025 – thời điểm các mức thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực. Từ tháng Một đến giữa tháng Sáu, giá trung vị (giá trị nằm ở giữa một tập hợp dữ liệu đã được sắp xếp theo thứ tự tăng dần hoặc giảm dần) của một đơn hàng gồm hơn 1.400 sản phẩm do Trung Quốc sản xuất và được bán trên Amazon tại thị trường Mỹ đã tăng 2,6%, cao hơn mức tăng 1% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi - không tính giá thực phẩm và năng lượng - của Mỹ trong 6 tháng đầu năm (tương đương 2% nếu tính theo năm).
Mức tăng giá khác nhau tùy mặt hàng, một số sản phẩm thậm chí giảm giá. Tuy nhiên, xu hướng chung là giá hàng hóa có xu hướng tăng trong vài tháng gần đây khi tác động của thuế quan bắt đầu lan rộng trong chuỗi cung ứng.
Trong tổng số hơn 25.000 mặt hàng được phân tích, DataWeave tập trung vào 1.407 sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ Trung Quốc và đang được bán trên Amazon. Công ty này sử dụng giá trung vị thay vì giá trung bình để tránh bị ảnh hưởng bởi những biến động giá bất thường. Các đơn hàng bao gồm cả sản phẩm do Amazon trực tiếp bán và hàng của những nhà bán lẻ bên thứ ba – vốn chiếm tới 62% tổng số giao dịch trên nền tảng này.
Các nhóm hàng ghi nhận mức tăng giá nhanh nhất gồm: văn phòng phẩm, đồ điện tử (như máy in và máy hủy tài liệu), các loại đĩa CD/DVD trắng và các sản phẩm gia dụng như đồ nội thất, đồ nấu bếp. Đây đều là những mặt hàng mà Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 đạt 438,9 tỷ USD.
Tác động rõ rệt bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2025 và tăng mạnh trong tháng 6/2025, đặc biệt ở nhóm hàng “Gia dụng & Nội thất” và “Đồ điện tử”, với mức tăng giá trung vị lần lượt là 3,5% và 3,1%.
Ông Karthik Bettadapura – Giám đốc điều hành (CEO) kiêm đồng sáng lập DataWeave – nhận định, ngoài yếu tố mùa vụ, sự tăng giá này là biểu hiện của cú sốc chi phí lan rộng trong chuỗi bán lẻ. Ông nói: “Chỉ cần mức thuế tăng nhẹ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng nhanh chóng, nhất là với những mặt hàng có biên lợi nhuận mỏng và chu kỳ nhập hàng ngắn. Chúng tôi đang chứng kiến đợt tăng giá diện rộng đầu tiên trong tháng 6/2025, khi người bán bắt đầu điều chỉnh theo chi phí đầu vào mới”.
Trong khi đó, Amazon cho biết không ghi nhận sự biến động đáng kể nào về giá trung bình ngoài các thay đổi mang tính thời vụ. Người phát ngôn của công ty nói: “Việc so sánh một số ít sản phẩm không phản ánh được xu hướng giá chung của hàng trăm triệu sản phẩm đang bán trên Amazon”.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tiêu dùng lớn tại Mỹ, bao gồm Walmart – nhà bán lẻ số một của nước này – đã cảnh báo về khả năng tăng giá do tác động từ thuế. Chuỗi cửa hàng Macy’s cho biết đang lựa chọn một số mặt hàng để điều chỉnh giá nhằm bù đắp chi phí thuế. Trong khi đó, hãng sản xuất trang phục và thiết bị thể thao Nike – sau khi quay lại bán hàng trên Amazon hồi đầu năm nay – cũng thông báo sẽ tăng giá nhiều dòng sản phẩm từ ngày 1/6.
Tổng thống Trump vẫn bảo vệ các mức thuế là cần thiết để “cân bằng thương mại toàn cầu” và thúc đẩy sản xuất nội địa. Về phía Amazon, CEO Andy Jassy cho biết công ty đã hợp tác với các nhà cung cấp để đẩy sớm đơn hàng về Mỹ trước khi mức thuế có hiệu lực, đồng thời tiếp tục tập trung tối đa vào việc giữ giá bán ở mức thấp nhất có thể. Dù vậy, các nhà bán lẻ vẫn thận trọng trong việc chuyển gánh nặng thuế sang người tiêu dùng, một phần do niềm tin tiêu dùng đang suy yếu và lãi suất cao.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu The Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống còn 93 điểm trong tháng này, giảm 5,4 điểm so với mức 98,4 điểm hồi tháng 5/2025– vốn là một đợt phục hồi ngắn ngủi. Như vậy, niềm tin của người Mỹ đối với nền kinh tế tiếp tục giảm trong tháng 6/2025, quay trở lại đà đi xuống từng đẩy chỉ số niềm tin tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 cách đây 5 năm.
Diễn biến này gây bất ngờ cho giới phân tích, những người trước đó dự đoán chỉ số sẽ tăng nhẹ trong tháng 6/2025. Trước đó, vào tháng 4/2025, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, chủ yếu do lo ngại về tác động từ chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump.
Chỉ số kỳ vọng – phản ánh quan điểm của người tiêu dùng về thu nhập, tình hình kinh doanh và thị trường việc làm trong ngắn hạn – giảm 4,6 điểm, còn 69 điểm. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 80 điểm, vốn thường được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 5/2025 đã giảm mạnh hơn dự đoán, sau khi làn sóng mua hàng nhằm tránh khả năng giá tăng do thuế quan đã lắng xuống. Cơ quan Thống kê Dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng trước đã giảm 0,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Một, sau khi giảm 0,1% trong tháng Tư theo số liệu đã điều chỉnh giảm.
Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp, xóa đi phần lớn mức tăng đột biến do thuế quan vào tháng 3/2025. Mức giảm trên cũng mạnh hơn mức giảm dự báo 0,7% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.

Minh Trang/bnews/vannet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-hieu-nguoi-tieu-dung-my-bat-dau-lanh-don-thue-quan/378864.html
Zalo