Dấu chân hóa thạch hé lộ khoảnh khắc hai loài người cổ đại giao thoa

Hơn 1,5 triệu năm trước, tại một bờ hồ ở Kenya, hai loài người cổ đại đã đi qua cùng một con đường, để lại những dấu chân hóa thạch lưu giữ khoảnh khắc kỳ diệu trong lịch sử nhân loại.

Bức ảnh dấu chân hóa thạch được cho là do một loài người có tên là Paranthropus boisei tạo ra, có niên đại 1,5 triệu năm. Ảnh: Đại học Chatham

Bức ảnh dấu chân hóa thạch được cho là do một loài người có tên là Paranthropus boisei tạo ra, có niên đại 1,5 triệu năm. Ảnh: Đại học Chatham

Đây là bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy hai loài hominin (tông Người) khác nhau cùng tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định.

Những dấu chân được tìm thấy tại vùng Koobi Fora, gần hồ Turkana, cho thấy hai loài người cổ đại là Homo erectus và Paranthropus boisei đã cùng bước qua một đoạn bùn mềm. Các nhà khoa học xác định dấu chân này được tạo ra cách nhau vài giờ hoặc vài ngày, và không loại trừ khả năng hai cá thể này đã nhìn thấy hoặc thậm chí tương tác với nhau.

Dấu chân đầu tiên được phát hiện vào năm 2021 trong một cuộc khai quật do nhà cổ sinh vật học Louise Leakey tổ chức. Đến tháng 7/2022, các nhà nghiên cứu tiếp tục khai quật, hé lộ thêm 12 dấu chân liên tiếp thuộc về một cá thể P. boisei và ba dấu chân riêng lẻ được cho là của Homo erectus.

Trong đó, Homo erectus được coi là tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại (Homo sapiens), với cơ thể và dáng đi tương đồng. Còn Paranthropus boisei, dù có kích thước cơ thể tương đương, lại sở hữu hộp sọ và răng lớn hơn, thích nghi với chế độ ăn thực vật.

Cả hai loài đều có khả năng đi thẳng trên hai chân, nhưng sống trong các môi trường khác biệt. Tuy nhiên, bằng chứng dấu chân cho thấy hai loài đã không tranh giành lãnh thổ hay xung đột, mà có thể chấp nhận sống chung trong cùng một khu vực suốt hàng trăm nghìn năm.

Những dấu chân được bảo tồn trong lớp bùn mềm nhờ vào một hệ thống đồng bằng châu thổ cổ đại. Lớp bùn này nhanh chóng bị bao phủ bởi các lớp trầm tích mịn, ngăn ngừa việc khô nứt do tiếp xúc với không khí. Các nhà khoa học ước tính dấu chân này có niên đại khoảng 1,52 triệu năm, dựa trên lớp tro núi lửa phía trên địa tầng.

Tiến sỹ Kevin Hatala, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Chatham, nhấn mạnh: "Những dấu chân này cung cấp cái nhìn độc đáo về cách mà các loài hominin di chuyển và có khả năng tương tác với nhau. Điều này không thể hiện rõ qua xương hóa thạch hay công cụ đá".

Dấu chân hóa thạch được cho là do Homo erectus, một loài người cổ đại, tạo ra. Ảnh: Đại học Chatham

Dấu chân hóa thạch được cho là do Homo erectus, một loài người cổ đại, tạo ra. Ảnh: Đại học Chatham

Việc phát hiện dấu chân tại khu vực đầy rẫy hiểm nguy như cá sấu và hà mã cho thấy nơi đây từng là điểm đến hấp dẫn để tìm kiếm thức ăn và nước uống. Homo erectus tiếp tục phát triển thêm 1 triệu năm sau đó, trong khi P. boisei tuyệt chủng vài trăm nghìn năm sau lần giao thoa này.

Briana Pobiner, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian, gọi phát hiện này là "choáng ngợp". Bà cho rằng việc hai loài người cổ đại cùng xuất hiện đặt ra nhiều giả thuyết thú vị: họ có thể cạnh tranh, đối mặt, hoặc thậm chí phớt lờ nhau.

Phát hiện dấu chân này là bước tiến lớn trong việc hiểu về cuộc sống của tổ tiên loài người, giúp chúng ta hình dung rõ hơn về mối quan hệ giữa các loài hominin trên cùng một cảnh quan cổ xưa.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo CNN, AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dau-chan-hoa-thach-he-lo-khoanh-khac-hai-loai-nguoi-co-dai-giao-thoa-20241129110522005.htm
Zalo