Dấu chân đầu tiên của Công an Việt Nam ở Trung Phi
Những ngày này, 6 sĩ quan Công an Việt Nam thuộc tổ công tác số 6 đang chuẩn bị mọi mặt để lên đường gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) vào cuối tháng 7 tới. Ngày lên đường đã rất gần, ai cũng nóng lòng, háo hức muốn đặt chân tới phái bộ. Bởi họ sẽ là những người đầu tiên khai phá địa bàn hoàn toàn mới: Phái bộ MINUSCA thuộc Cộng hòa Trung Phi.
Địa bàn mới
Sáu sĩ quan sẽ lên đường tới Phái bộ MINUSCA gồm Trung tá Nguyễn Quyên Chinh - Tổ trưởng tổ công tác, Trung tá Bùi Thị Hiền, Thiếu tá Phạm Minh Đạt, Thiếu tá Tô Ngọc Anh, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà và Đại úy Bùi Mạnh Tiến. Đây là tổ có số lượng sĩ quan nhiều nhất, trong đó có 3 nữ sĩ quan tham gia, đạt tỉ lệ 50%. LHQ đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an Việt Nam trong việc khuyến khích nữ sĩ quan tham gia GGHB với tỉ lệ vượt yêu cầu.

Các sĩ quan Công an Việt Nam thuộc Tổ công tác số 6 luyện tập bắn súng trước khi lên đường sang phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi.
Đại tá Lê Quốc Huy, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ cho biết: “Tổ công tác số 6 có nhiều nét đặc biệt. Nếu các tổ công tác trước sau khi sang phái bộ mới ứng tuyển vào các vị trí làm việc thì tổ 6 đã ứng tuyển các vị trí trước khi triển khai, đó đều là những vị trí chủ chốt, quan trọng. Đây sẽ là những sĩ quan đầu tiên khai phá địa bàn MINUSCA, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm hoạt động ở đây”.
Để có thể vượt qua đợt sát hạch khắt khe của LHQ và trúng tuyển sĩ quan cá nhân, 6 sĩ quan đã tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai do Văn phòng Thường trực phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình tổ chức và các khóa huấn luyện ngắn hạn tại ở Indonesia, Italia. Không chỉ được trang bị vốn ngoại ngữ tốt, họ còn lĩnh hội được những kiến thức tổng quan về hoạt động GGHB LHQ, các kĩ chiến thuật cảnh sát, kĩ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, khả năng sử dụng bản đồ, sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn, kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường quốc tế. Ngày 24/7/2024, trải qua vòng phỏng vấn, các vòng thi khắt khe về ngoại ngữ, kĩ thuật lái xe, bắn súng của đoàn chuyên gia của LHQ, cả 6 sĩ quan đều xuất sắc vượt qua đợt kiểm tra năng lực sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân.
Đặc điểm chung của tổ 6 là biết đến hoạt động GGHB từ khá sớm, đều hứng thú với hoạt động đầy mới mẻ này. “Qua báo chí truyền thông, tôi biết đến hoạt động GGHB và bắt đầu tìm hiểu. Càng đọc tôi càng nể phục những sĩ quan dũng cảm, bản lĩnh thực hiện sứ mệnh quốc tế. Năm 2022, khi có công văn về đơn vị khuyến khích cán bộ tham gia GGHB là tôi đăng ký tham gia ngay. Chính bố tôi – một sĩ quan công an đã truyền cho con gái sự mạnh mẽ, dấn thân vì nhiệm vụ. Còn mẹ, từ khi tôi đủ tiêu chuẩn đi GGHB thì chăm xem tivi và đọc báo, nhất là tin tức về các phái bộ. Tôi tự hào khi là sĩ quan đầu tiên của công an Hải Phòng đi GGHB LHQ”, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà bộc bạch.
Từ những ngày đầu tham gia các đợt tập huấn đến giây phút sắp nhận quyết định của Chủ tịch nước đi thực hiện nhiệm vụ, cả 6 sĩ quan đã luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện mọi mặt của đơn vị công tác, Văn phòng thường trực và gia đình người thân.
MINUSCA là phái bộ mà người dân chủ yếu nói tiếng Pháp. Tuy vậy, các vị trí ứng tuyển của 6 sĩ quan đều sử dụng tiếng Anh. Dù sắp lên đường, cả tổ vẫn tranh thủ trau dồi cả tiếng Anh và tự học thêm tiếng Pháp để có thể bắt nhịp tốt nhất khi đặt chân tới phái bộ. Sang một phái bộ xa xôi, thiếu thốn để làm việc trong một thời gian dài thì với các sĩ quan Công an, việc sắp xếp, tính toán hành lý mang đi không hề đơn giản. Càng tìm hiểu chi tiết về phái bộ thì càng phải lên phương án chuẩn bị chi tiết đồ dùng mang theo. Bởi rất nhiều đồ dùng thiết yếu không có ở phái bộ, hoặc nếu có mua được thì phải rất vất vả và đắt đỏ. Từ chăn màn, đồ dùng nhà bếp như bếp từ, bát đũa, xoong nồi đến thực phẩm khô. Các loại thuốc và đồ dùng sơ cứu ban đầu như bông băng, thuốc sát trùng, cồn cũng quan trọng không kém. Thời tiết ở Trung Phi có hai mùa mưa và mùa khô, ban đêm se lạnh nên sẽ mang theo màn chụp và chăn mỏng.
“Mỗi anh chị em được mang 100 kg hành lý gửi qua đường chuyển phát nhanh DHL. Trong 100 kg hành lý, chúng tôi mang theo rất nhiều đồ dùng thiết yếu. Anh chị em chúng tôi bàn nhau sẽ mang theo hạt giống rau để tận dụng những khoảng đất trống trồng rau cải thiện bữa ăn”, Trung tá Chinh hào hứng chia sẻ.
Tổ công tác vũ trang đầu tiên
Cộng hòa Trung Phi là một quốc gia ở miền trung châu Phi. Sau nhiều năm nội chiến thì hiện tại phần lớn lãnh thổ của nước này đang nằm trong tay các nhóm vũ trang và có khoảng 60% dân số cần được trợ giúp. LHQ thành lập phái bộ GGHB MINUSCA từ tháng 4/2014, đến nay có hơn 40 quốc gia gửi lực lượng tham gia, trong đó có sự đóng góp của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam. Sứ mệnh của các sĩ quan Công an Việt Nam là bảo vệ dân thường và hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại nước này trong bố cảnh nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động.

Tổ 6 tham gia hội thảo quốc tế về gìn giữ hòa bình, tổ chức tại Hà Nội (tháng 6/2025).
Khác với phái bộ UNMISS ở Nam Sudan và UNISFA ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan), MINUSCA là phái bộ có vũ trang. Phòng Cảnh sát LHQ yêu cầu các sĩ quan cảnh sát tới đây làm nhiệm vụ phải được trang bị súng để đảm bảo an ninh an toàn. Theo Đại tá Huy, Văn phòng Thường trực đã tổ chức cho tổ 6 tham gia khóa huấn luyện bắn súng tại Trung tâm Huấn luyện của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại Hà Nội. Đến nay tổ công tác số 6 đã được Bộ Công an trang cấp súng, đạn để sẵn sàng lên đường.
“Suốt khóa tập huấn, ngày nào tổ công tác cũng miệt mài luyện tập ngoài trường bắn. Dưới thời tiết nắng nóng, mang trên mình bộ áo giáp chống đạn nặng trịch và phải tập trung tuyệt tối vào mục tiêu là một trải nghiệm khó quên với tổ công tác. Hoàn thành khóa huấn luyện, chúng tôi được trang bị đầy đủ kỹ năng sử dụng súng, đạn, xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp”, Trung tá Chinh cho biết.
Vì chưa có kinh nghiệm hoạt động ở phái bộ MINUSCA, nên tổ 6 đã chủ động tìm hiểu về mọi mặt đời sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ ở đây. Đại úy Bùi Thị Đăng Hà chia sẻ: “Chúng tôi đã học hỏi từ các đồng nghiệp Indonesia có kinh nghiệm nhiều năm tham gia phái bộ và 7 sĩ quan của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi. Do đó tổ công tác đã nắm bắt được những quy định chặt chẽ của phái bộ. Chẳng hạn như việc nhân viên LHQ tuyệt đối không ra ngoài vào giờ giới nghiêm trừ khi đi làm nhiệm vụ và có lực lượng hộ tống. Vào dịp cuối tuần có thể đi chợ hay ra ngoài nhưng luôn có ít nhất hai người đi cùng nhau với đồ đạc tối giản nhất có thể”.
Côn trùng, dịch bệnh ở Trung Phi luôn là nỗi ám ảnh đối với bất cứ nhân viên nào đến phái bộ. Sẽ có nhiều loài côn trùng họ chưa nhìn thấy bao giờ, cũng không biết gọi là gì, chỉ được cảnh báo là chúng rất độc. Họ đã chuẩn bị màn, thuốc xịt chống muỗi, đèn bắt muỗi mang sang. Để đối phó với dịch sốt rét, đậu mùa khỉ thì đi ngủ phải mắc màn, khi đi ra ngoài phải xịt thuốc chống côn trùng và mặc quần áo dài, phòng ở luôn ở chế độ ra đóng vào mở để muỗi không thể lọt vào.
Nếu như ở Nam Sudan và Abyei, các phái bộ đều sắp xếp cho nhân viên các nước đến làm việc được ở tại khu căn cứ. Những căn phòng container được đánh số, kê trên các trụ cách mặt đất chừng 30 cm để chống ẩm mốc được gọi là “đặc sản” phái bộ. Thì ở Trung Phi, LHQ không bố trí được chỗ ăn ở cho nhân viên các nước sang làm việc. Các sĩ quan sẽ phải thuê nhà ở, LHQ sẽ cắt cử lực lượng canh gác các khu nhà để đảm bảo an ninh an toàn. Đi kèm với đó là điều kiện về điện và nguồn nước cũng sẽ chưa đảm bảo.
Sắp lên đường đi phái bộ, Đại úy Bùi Mạnh Tiến lo nhất hai con nhỏ ở nhà. Anh chia sẻ: “Bé lớn nhà tôi năm nay vào lớp 1, bé thứ 2 chưa đầy 2 tuổi. Ông bà hai bên đều ở xa và đã cao tuổi nên chỉ có hai vợ chồng tôi chăm sóc các con. Tôi đi phái bộ thì mọi việc ở nhà vợ tôi phải gánh vác. Nhưng cô ấy luôn ủng hộ và động viên tôi yên tâm lên đường”.
Trong bất kỳ môi trường làm việc nào thì các sĩ quan Công an Việt Nam luôn giữ tinh thần lạc quan, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để thích nghi nhanh với môi trường làm việc, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ Đại úy Tiến mà các sĩ quan trong tổ đều gác lại công việc và những nỗi niềm riêng để lên đường nhập vào hành trình ươm những mầm xanh hòa bình ở vùng mới.