Dấu ấn 50 năm ngành kiểm sát Kiên Giang và An Giang - bản lĩnh vững vàng trên hành trình tiếp nối

Cách đây 65 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, chính thức đánh dấu sự ra đời của một thiết chế bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa - biểu tượng của công lý, của kỷ cương pháp luật trong Nhà nước ta.

Từ đó đến nay, ngành kiểm sát nhân dân không ngừng trưởng thành, đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ pháp luật, quyền con người và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại vùng đất Tây Nam bộ, sau ngày đất nước thống nhất, ngày 23/4/1976, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang được thành lập theo Nghị định số 09-BTP/NĐ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, từ khởi đầu đầy gian khó với số lượng cán bộ ít ỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn, ngành kiểm sát hai tỉnh đã khắc phục khó khăn, không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng quan trọng trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, giữ vững kỷ cương pháp luật và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Mai Văn Huỳnh (bìa trái) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (nay đã nghỉ hưu) trao Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, ngày 30/12/2022

Đồng chí Mai Văn Huỳnh (bìa trái) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (nay đã nghỉ hưu) trao Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, ngày 30/12/2022

Những dấu ấn trên chặng đường nửa thế kỷ

Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển (1976-2025), ngành Kiểm sát Kiên Giang và An Giang đã đi qua nhiều dấu mốc đáng nhớ. Trong những năm đầu mới thành lập, cán bộ chủ yếu được điều động từ lực lượng công an, quân đội, hoặc tăng cường từ miền Bắc vào, vừa làm vừa học, vượt qua muôn vàn khó khăn.

Thời kỳ 1976-2000, hai tỉnh tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức, kiện toàn chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần siết chặt kỷ cương pháp luật trong điều kiện đất nước còn nhiều biến động.

Giai đoạn 2002-2015, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, ngành kiểm sát hai tỉnh thôi chức năng kiểm sát hành chính, tập trung thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Đây cũng là giai đoạn đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Từ năm 2015 đến nay, ngành kiểm sát Kiên Giang và An Giang cùng bước vào giai đoạn phát triển mới với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Nhiều năm liền, Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh Kiên Giang, An Giang thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo nghị quyết Quốc hội giao, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm của tỉnh.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang

Đổi mới tư duy - Vươn lên tầm cao mới

Giai đoạn 2020-2025, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và diễn biến phức tạp của tội phạm, ngành kiểm sát hai tỉnh đã chủ động đổi mới toàn diện, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn địa phương. Viện Kiểm sát hai cấp thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết dứt điểm nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn định tình hình địa phương.

Mỗi năm, Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh Kiên Giang và An Giang đã kiểm sát việc khởi tố mới hàng nghìn vụ án hình sự, với tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đạt bình quân trên 98%, không có oan sai; đồng thời kiểm sát giải quyết hàng ngàn vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Công tác kiểm sát được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, qua đó đã ban hành hàng trăm kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không chỉ là địa phương có phong trào thi đua sôi nổi, Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh còn là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, có nhiều sáng kiến, giải pháp, đề án về công nghệ thông tin được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công nhận là sáng kiến cấp ngành, ứng dụng có hiệu quả vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.

Ngành đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.

Giai đoạn 2020-2025, toàn ngành đã có hơn 150 sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong công tác, với trên 90% sáng kiến được phê duyệt triển khai thành công, trong đó gần 12% là sáng kiến cấp ngành kiểm sát nhân dân. Tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhiều tập thể, cá nhân ở cấp huyện, cấp phòng được trao tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cao quý. Đây là niềm tự hào, là biểu tượng cho tinh thần tận tụy, vượt khó, cống hiến không ngừng của đội ngũ công chức, Kiểm sát viên. Hình ảnh người cán bộ Kiểm sát ngày càng được Nhân dân tin yêu, vai trò và vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang) trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua, giai đoạn 2020-2025

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang) trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua, giai đoạn 2020-2025

Bản lĩnh Kiểm sát Kiên Giang - An Giang vững vàng trong tiến trình hợp nhất

Trong hành trình đổi mới, từ ngày 1/7/2025, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang và An Giang đã chính thức hợp nhất theo Nghị quyết số 84/2025/UBTVQH15, ngày 27/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang. Đây không chỉ là kết quả của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà còn là dấu mốc lịch sử, mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành Kiểm sát nói chung và ngành Kiểm sát An Giang nói riêng trong giai đoạn mới.

Với quyết tâm chính trị cao và phương châm “Một tỉnh - Một tầm nhìn - Một hành động - Một niềm tin”, ngành kiểm sát An Giang tập trung triển khai các điều kiện bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả. Tập thể lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là trung tâm, với Viện trưởng là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, cùng toàn ngành xây dựng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang trở thành tập thể vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, hiện đại về công nghệ, công tâm, bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm và giàu nhân văn thực thi công lý, phục vụ nhân dân.

Bước vào kỷ nguyên số, ngành Kiểm sát An Giang xác định xây dựng Viện Kiểm sát số là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa để phát triển toàn diện, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng công tác kiểm sát. Viện Kiểm sát số An Giang hướng đến ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực công tác, từ quản lý, chỉ đạo điều hành đến tham mưu, tổng hợp và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ Kiểm sát, nhằm thực hiện tốt định hướng của ngành là “xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân”.

Nhìn lại chặng đường gần 50 năm hình thành và phát triển, ngành Kiểm sát Kiên Giang và An Giang trân trọng biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND hai tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và niềm tin yêu của nhân dân và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - đó chính là nguồn động lực to lớn để ngành không ngừng vươn lên.

Bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức, đặc biệt là yêu cầu vận hành bộ máy sau hợp nhất, toàn ngành Kiểm sát An Giang quyết tâm phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm và thích ứng linh hoạt để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhân dân và khát vọng phát triển đất nước trong thời đại mới.

NGUYỄN NGỌC PHÚC

(Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy,

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dau-an-50-nam-nganh-kiem-sat-kien-giang-va-an-giang-ban-linh-vung-vang-tren-hanh-trinh-tiep-noi-a424463.html
Zalo