Đạt được thỏa thuận thuế với Mỹ: Không thể lơ là những ẩn số đằng sau

Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận thuế sơ bộ, mở ra kỳ vọng mới cho xuất khẩu. Tuy nhiên, mức thuế 20% và 40% như thông tin ban đầu, cùng các quy định ngặt nghèo về xuất xứ đang đặt ra nhiều ẩn số cần được theo dõi chặt chẽ.

Sau ba vòng đàm phán kỹ thuật, Mỹ cho biết sẽ áp thuế đối ứng 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam và áp mức thuế 40% đối với mọi sản phẩm được chuyển tải qua Việt Nam từ một quốc gia thứ ba (transshipping), một biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “lách thuế” để xuất khẩu vào Mỹ.

Đổi lại, Việt Nam sẽ “mở cửa” cho toàn bộ hàng hóa đến từ Mỹ với mức thuế nhập khẩu 0%.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, mức thuế 20% được xem là một thành công ban đầu, khi đưa ra kịch bản cơ sở cho quá trình đàm phán về các yếu tố kỹ thuật trong tương lai, đồng thời góp phần ổn định tâm lý đối với hoạt động sản xuất trong nước.

Mức thuế này cũng giúp Việt Nam bảo toàn lợi thế cạnh tranh trong chiến lược “Trung Quốc +1”, đặc biệt trong bối cảnh mức thuế nhập khẩu hiệu dụng mà Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa từ Trung Quốc hiện ở mức khoảng 41,4%, theo cập nhật của Fitch Ratings ngày 27/06/2025.

Tuy nhiên, ông Đinh Việt Bách, Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree chỉ ra rằng, mức thuế 20% Mỹ đặt ra cho Việt Nam thực tế đã cao hơn kỳ vọng và những dự báo của thị trường trước đây. Đặc biệt, mức thuế 40% cho mặt hàng “transshipping” cũng đặt ra vấn đề: Đánh thuế 40% toàn bộ lên hàng “transshipping” hay chỉ trên phần có xuất xứ từ nước thứ ba?

Dù như thế nào, mức thuế này vẫn là khó cho Việt Nam, khi hàng xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào linh - phụ kiện các nước thứ 3 như: điện tử, da giày, may mặc. Riêng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm đến 35% giá trị xuất khẩu của Việt Nam (chưa tính nhập qua đường tiểu ngạch).

“Để đánh giá mức thuế 20% và 40% là cao hay thấp, có lẽ cần đợi các nước cạnh tranh với Việt Nam như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia,… sẽ phải chịu mức thuế là bao nhiêu thì mới có thể đánh giá được. Nhưng với việc áp 40% thuế lên hàng có xuất xứ từ nước thứ 3 cao sẽ làm giảm nhu cầu FDI, và áp lực phải tăng tỷ lệ nội địa hóa”, ông Bách nhận xét.

Mirae Asset cũng có chung quan điểm khi cho rằng, dù kết quả có tích cực, nhưng còn quá sớm để khẳng định mức thuế 20% này mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và dài hạn cho Việt Nam, nhất là khi so sánh với các quốc gia trong khu vực vẫn đang đàm phán.

Mặt khác, thỏa thuận hiện tại chưa đề cập đến các hàng rào phi thuế quan (NTBs) mà Mỹ cáo buộc Việt Nam đang áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Trên thực tế, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chỉ ra rằng các hàng rào phi thuế quan này, cùng với mức thuế suất Tối huệ quốc (MFN) mà Việt Nam áp dụng, là những yếu tố chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, Mirae Asset lưu ý cách xác định hàng hóa chuyển tải được đánh giá là tương đối phức tạp, sẽ được kết luận bởi Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), dựa trên tiêu chí “chuyển đổi cơ bản”. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ cần chuẩn bị kỹ càng về hồ sơ cũng như thông tin chi tiết về toàn bộ chuỗi cung ứng, nhằm giải trình và phản biện trước các quyết định về áp thuế đối với hàng hóa chuyển tải.

Trước mắt, ông Đinh Việt Bách cho rằng có 4 nhóm ngành sẽ được hưởng lợi tích cực từ thuế quan, bên cạnh một số ngành chỉ ở mức trung lập.

Cụ thể, ngành nông sản được hưởng lợi đầu tiên nhờ mức thuế hiện tại thấp. Thủy sản cũng ghi nhận tác động tích cực do phần lớn hoạt động sản xuất diễn ra trong nước. Dù vậy, ông Bách lưu ý một số doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành tôm, vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để chế biến rồi xuất khẩu lại.

Ngành săm lốp sẽ tích cực do sản phẩm chủ yếu được sản xuất trong nước, giảm rủi ro bị áp thuế chuyển tải. Tương tự, ngành chăn nuôi có thể được hưởng lợi khi Việt Nam tiến tới hạ rào cản thuế quan đối với hàng nông sản Mỹ (như ngô, đậu tương…), qua đó giúp giảm chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận.

Trong khi đó, dệt may được cho là không quá tích cực do phần giá trị trong nước đóng góp còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu gia công theo yêu cầu, thiếu sự chủ động trong nguyên vật liệu. Thép cũng ở mức trung tính do mức thuế hiện tại vẫn cao nhưng nhiều doanh nghiệp đã tăng mạnh tỷ lệ nội địa hóa.

Ngành ô tô – xe có thể chịu rủi ro nếu Mỹ giảm thuế suất, tạo điều kiện cho xe nhập khẩu (như Tesla, Ford...) tràn vào thị trường Việt Nam.

Riêng ngành khu công nghiệp được nhận định tiêu cực do nhu cầu bất động sản công nghiệp giai đoạn 2025 – 2026 không còn được như trước, trong bối cảnh môi trường cạnh tranh toàn cầu thay đổi. Việc tăng thuế với hàng trung chuyển cũng gián tiếp làm giảm nhu cầu dịch chuyển sang Việt Nam.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dat-duoc-thoa-thuan-thue-voi-my-khong-the-lo-la-nhung-an-so-dang-sau-post372524.html
Zalo