'Đào tạo lý luận chính trị phải đi đôi với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng'

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh luôn tâm niệm rằng, đào tạo lý luận chính trị không thể tách rời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

.t1 { text-align: justify; }

Học viện Chính trị khu vực II là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ và một số địa phương theo phân công của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý, khoa học hành chính, quản lý nhà nước phục vụ giảng dạy, học tập góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong hành trình gần 30 năm gắn bó với Học viện Chính trị khu vực II, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, sự mẫu mực trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh để hiểu thêm về hành trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị cũng như triết lý giáo dục và nghiên cứu khoa học của thầy.

Nhiều dấu ấn nổi bật của Học viện Chính trị khu vực II

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh chia sẻ, Học viện Chính trị khu vực II là nơi thầy có vinh dự được gắn bó và cống hiến trong suốt gần 30 năm qua – là một thành trì lý luận của Đảng, một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho khu vực Đông Nam Bộ.

"Với trách nhiệm của một Phó Giám đốc Học viện, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến ba phương diện then chốt: Đào tạo lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học mang tính định hướng chiến lược và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong 5 năm trở lại đây, Học viện đã tổ chức gần 200 lớp Cao cấp lý luận chính trị với hơn 10.000 học viên, hàng trăm lớp bồi dưỡng chức danh và hàng loạt lớp đào tạo cử nhân, thạc sĩ – phản ánh sự phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, mỗi chương trình giảng dạy đều được thiết kế không chỉ để cung cấp tri thức mà còn nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ – những người sẽ đảm nhiệm trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Điểm nhấn nổi bật là công tác nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn phát triển của đất nước. Học viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo và tọa đàm từ cấp cơ sở đến quốc gia và quốc tế. Các công trình không chỉ có giá trị lý luận mà còn trực tiếp góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng Đảng, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đô thị thông minh...

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới và trong nước trải qua những thay đổi mang tính thời đại, môi trường kinh tế - chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, khó dự báo, Học viện xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “mặt trận trọng yếu”. Từ năm 2020 đến 2025, chúng tôi đã công bố hàng ngàn bài viết, chuyên đề phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí, diễn đàn chính thống và hệ thống truyền thông của Học viện. Những bài viết ấy không chỉ đấu tranh trực diện mà còn góp phần củng cố niềm tin, xây dựng “hàng rào tư tưởng” vững chắc cho đội ngũ cán bộ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh nhấn mạnh.

Thầy Vinh luôn tâm niệm rằng, đào tạo lý luận chính trị không thể tách rời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi lớp học, mỗi bài giảng, mỗi công trình nghiên cứu phải là một “viên gạch” góp phần xây dựng nền móng tư tưởng vững chắc, kiên định đường lối đổi mới, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, định hướng sắp tới là tiếp tục xây dựng Học viện Chính trị khu vực II thành một trung tâm lý luận mẫu mực, hiện đại và bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Có lẽ với nhiều người, việc đồng thời đảm nhận công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là một thách thức lớn, nhưng với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh, ba lĩnh vực này không tách rời nhau, mà ngược lại, tạo thành một chỉnh thể bổ trợ và làm sâu sắc cho nhau.

Thầy Vinh lý giải: "Chính nghiên cứu khoa học giúp tôi có cái nhìn lý luận sắc bén để định hướng điều hành. Giảng dạy là nơi tôi chuyển hóa tri thức thành hành động và truyền cảm hứng, còn quản lý là không gian để hiện thực hóa những tư tưởng, ý tưởng ấy thành kết quả cụ thể cho Học viện và đội ngũ cán bộ.”

Việc cân bằng thời gian, thực chất là sự phân bổ hợp lý dựa trên nguyên tắc “ưu tiên theo nhiệm vụ chính trị” và “hành động phải gắn với giá trị”. Tôi làm việc với tinh thần kỷ luật cao, rõ mục tiêu, cụ thể hóa từng công việc theo kế hoạch, đặc biệt luôn duy trì thói quen tư duy dài hạn trong xử lý công việc hàng ngày. Mỗi quyết định quản lý đều phải có cơ sở khoa học, có góc nhìn thực tiễn và phục vụ lợi ích chung của Học viện".

Về triết lý đào tạo, thầy Vinh đặc biệt tâm đắc với tinh thần “rèn đức – luyện tâm – khai trí” trong đào tạo cán bộ trẻ. Học viện không đơn thuần là nơi truyền đạt tri thức lý luận chính trị mà phải là “nơi rèn luyện” bản lĩnh chính trị, ý chí phụng sự và tinh thần đổi mới. Thầy Vinh thường chia sẻ với học viên rằng, "được đào tạo ở trường Đảng là một vinh dự, nhưng để xứng đáng với vinh dự đó, mỗi người phải tự rèn cho mình tư duy độc lập, phẩm chất chính trực và tinh thần hành động có trách nhiệm trước Đảng, trước dân".

Cán bộ trẻ hôm nay cần được trao cơ hội học hỏi, được khích lệ đổi mới và được truyền cảm hứng từ những giá trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh luôn giữ nguyên tắc nêu gương, kết hợp giữa nghiêm khắc trong kỷ cương và bao dung trong đào tạo để mỗi cán bộ trẻ thấy được giá trị của sự nỗ lực và hành trình trưởng thành từ chính những thử thách mà họ trải qua.

"Giữ vững niềm tin, nuôi dưỡng lý tưởng, hành động có chiều sâu – đó là điều tôi mong mỏi ở thế hệ cán bộ trẻ của chúng ta hôm nay", thầy Vinh bộc bạch.

Nghiên cứu khoa học là “nhịp cầu” kết nối giữa lý luận và thực tiễn

Chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh bày tỏ, thầy không bao giờ đặt nặng việc chọn ra đề tài nào là “tự hào nhất”, bởi lẽ, mỗi công trình – dù lớn hay nhỏ – đều là kết quả của sự tâm huyết, quyết tâm và có giá trị thực tiễn sâu sắc. Tất cả các nghiên cứu mà thầy Vinh và các cộng sự thực hiện đều hướng đến mục tiêu rõ ràng là tạo ra những giá trị tham khảo hữu ích cho địa phương, đóng góp thiết thực cho công tác hoạch định và điều hành chính sách.

"Điều tôi tự hào hơn cả, là đã xây dựng được một nhóm nghiên cứu chất lượng – gồm những đồng nghiệp có tâm huyết, có trình độ chuyên môn và khát vọng học hỏi. Chúng tôi không chỉ làm việc cùng nhau như một ê-kíp khoa học, mà còn chia sẻ chung một tinh thần: nghiên cứu không phải để có danh, mà để đóng góp cho Đảng, cho đất nước, cho địa phương và cho nhân dân.

Nếu phải nhắc đến một đề tài có nhiều dấu ấn thực tiễn, tôi nghĩ đến công trình nghiên cứu về Phát triển kinh tế tuần hoàn ở vùng Đông Nam Bộ. Đây là công trình mà tôi và các cộng sự triển khai với mong muốn tạo ra một mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và chiến lược kinh tế quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng gay gắt. Không chỉ mang lại giá trị lý luận, đề tài này còn đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể cho các tỉnh trong vùng về chính sách phát triển công nghiệp tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo và mô hình sản xuất – tiêu dùng có trách nhiệm.

Chúng tôi xem nghiên cứu khoa học là “nhịp cầu” kết nối giữa lý luận và thực tiễn. Đó là cách Học viện và mỗi giảng viên, nhà khoa học trong Học viện thể hiện vai trò phục vụ đất nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cũng nêu lên một số đề xuất để hoạt động nghiên cứu khoa học tại các đơn vị ngày càng chất lượng, hiệu quả. Theo thầy Vinh, muốn nghiên cứu khoa học thực sự chất lượng và hiệu quả, trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy tiếp cận nghiên cứu không phải để “có đầu mục”, mà phải gắn với yêu cầu thực tiễn, giải quyết được những “nút thắt” của cuộc sống, của sự nghiệp phát triển đất nước.

Đó là quan điểm xuyên suốt thầy Vinh luôn nhấn mạnh tại Học viện Chính trị khu vực II trong nhiều năm qua. Từ góc độ quản lý và người trực tiếp làm khoa học, thầy Vinh cho rằng cần chú ý đến 04 yếu tố then chốt.

Thứ nhất, phải xây dựng được môi trường học thuật khuyến khích đổi mới tư duy và nghiên cứu có chiều sâu. Điều này không thể chỉ là khẩu hiệu, mà cần những chính sách cụ thể về hỗ trợ kinh phí, công nhận kết quả, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ trẻ.

Thứ hai, cần phát huy vai trò của các nhóm nghiên cứu liên ngành – nơi tập hợp những nhà khoa học không chỉ giỏi chuyên môn mà còn sẵn sàng cộng tác, chia sẻ và cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Mô hình nhóm nghiên cứu mà tôi và các đồng sự đang triển khai tại Học viện cho thấy hiệu quả rõ rệt: sự phối hợp chặt chẽ giúp đề tài đi đúng hướng, có chiều sâu và sức sống thực tiễn cao hơn.

Thứ ba, các đơn vị cần đẩy mạnh liên kết với địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để nâng cao tính ứng dụng của đề tài, đồng thời mở rộng nguồn lực và phạm vi tác động. Nghiên cứu khoa học không nên “đóng khung trong học thuật”, mà phải có giá trị thực tiễn sâu sắc để trở thành động lực của phát triển.

Thứ tư, hệ thống đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nghiên cứu cần minh bạch, chuyên nghiệp, có tiêu chí cụ thể về hiệu quả, tính ứng dụng và đóng góp thực tiễn. Có như vậy, nhà khoa học mới thực sự được ghi nhận và xã hội mới được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu.

Thầy Vinh cho biết thêm: "Với tôi, nghiên cứu khoa học không thể là hoạt động đơn lẻ, mà phải được dẫn dắt bởi một chiến lược – trong đó có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng thụ hưởng. Khi nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở lại phục vụ chính cuộc sống, thì lúc đó chúng ta mới có một nền khoa học phát triển bền vững và có trách nhiệm".

Cán bộ lý luận chính trị cần được trang bị những "năng lực mới" để thích nghi và dẫn dắt

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh nhìn nhận, chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển động nhanh chóng của tri thức, công nghệ và truyền thông. Mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo và các xu hướng toàn cầu mới không chỉ thay đổi phương thức truyền tải thông tin, mà sâu xa hơn, nó tác động đến cách con người tiếp nhận, xử lý và hành động trước tri thức – trong đó có cả lý luận chính trị. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ lý luận chính trị, đặc biệt là cán bộ trẻ cần được trang bị những “năng lực mới” để thích nghi và dẫn dắt.

Thầy Vinh cho rằng có ba nhóm năng lực then chốt:

Một là, tư duy phản biện sâu sắc và kiên định lý tưởng. Đây là nền tảng để cán bộ lý luận chính trị không bị “xô lệch” trước các luồng thông tin đa chiều, đồng thời giữ vững lập trường tư tưởng của Đảng trong mọi tình huống.

Hai là, năng lực sử dụng công nghệ và truyền thông số. Một cán bộ lý luận thời đại số không thể đứng ngoài không gian mạng. Họ cần biết “tham gia vào mạng xã hội” với tư thế chủ động, dẫn dắt dư luận, chứ không chỉ là người phản ứng. Viết một bài phản bác luận điệu sai trái có sức thuyết phục, hay tham gia tọa đàm, đối thoại trực tuyến để lan tỏa giá trị đúng đắn – đó là yêu cầu mới đặt ra.

Ba là, năng lực hội nhập và hành động vì cộng đồng. Cán bộ trẻ cần có tầm nhìn quốc tế, biết kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và tư duy toàn cầu, giữa bản sắc dân tộc và khả năng thích ứng với biến động thế giới.

"Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình “truyền đạt – tiếp nhận” sang mô hình “khơi dậy – phát triển”. Chúng ta phải thiết kế chương trình học có chiều sâu lý luận, đồng thời tích hợp kỹ năng thực hành, tư duy đổi mới, tinh thần phụng sự và kỹ năng công nghệ. Đặc biệt, cần khuyến khích cán bộ trẻ học đi đôi với trải nghiệm – trải nghiệm thực tiễn cơ sở, trải nghiệm nghiên cứu và trải nghiệm không gian số.

Với tôi, đào tạo cán bộ lý luận chính trị hôm nay không chỉ là nhiệm vụ của các trường Đảng, mà là sứ mệnh của dân tộc. Chúng ta cần chuẩn bị một thế hệ cán bộ có bản lĩnh, có trí tuệ và có trách nhiệm – những người sẽ kế tục và làm rạng danh sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã khởi xướng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh bày tỏ thêm.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-ly-luan-chinh-tri-phai-di-doi-voi-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-post252453.gd
Zalo