Danh tính trẻ em thời 4.0: Đâu rồi ý thức bảo vệ?
Internet đang trở thành một sợi dây kết nối con người trong thế kỷ XXI. Từ trẻ em, người lớn đều có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin mới. Bên cạnh mặt thuận lợi, vẫn còn đó mối nguy hại cho trẻ nhỏ, đặc biệt khi danh tính của các em đang bị lãng quên trên không gian ảo.
Tranh cãi phía sau những em bé “triệu view”
Trong vài năm trở lại đây, hình ảnh những em bé “triệu view” đang thu hút rất nhiều người sử dụng mạng xã hội. Các em thường xuất hiện với khuôn mặt ngây thơ, đáng yêu, cử chỉ ngô nghê, vui nhộn. Hình ảnh những đứa trẻ này đem lại nguồn năng lượng tích cực cho nhiều người. Tuy nhiên, thực tế đằng sau màn hình điện thoại, máy tính, có những đứa trẻ đang bị đánh mất danh tính để phục vụ cho mưu cầu của người lớn. Lấy ví dụ, hình ảnh các em bé livestream cùng bố mẹ, anh chị, họ hàng không còn xa lạ. Cách đây vài tháng, một kênh gia đình khá nổi tiếng trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều.
Được biết, em bé tên P mới 2 tuổi nhưng đã sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu, các fanpage của bé ở mọi nền tảng đều thu hút đến cả triệu người theo dõi. Do vậy, bé P được nhiều người yêu mến gọi là “ngôi sao nhí” vì độ nổi tiếng “khủng” của mình.
Nhưng, điều này cũng mang đến nhiều tranh cãi xoay quanh P cũng như bố mẹ của cô bé. Không ít lần, nhiều người hâm mộ phải lên tiếng về việc P đang trở thành KOL “quá đà” trong khi ở tuổi của bé, việc chơi, việc học phải được ưu tiên hàng đầu. Hay thậm chí cách đây khoảng 5 tháng P còn bị lập group anti khiến dân tình phẫn nộ. Thái độ, cách hành xử của cô bé P khi tham gia vài show truyền hình cũng bị nhiều người lớn “công kích”. Điều này, khiến những người yêu mến bé P vô cùng lo lắng, khi bé phải đối diện với áp lực dư luận từ sớm.
Ngược lại với mong đợi bố mẹ sẽ bảo vệ bé, hạn chế cho bé xuất hiện trên mạng xã hội thì gia đình vẫn tiếp tục cập nhật những hoạt động của bé công khai trong các nền tảng. Thậm chí, khi bé P khóc to ở chỗ công cộng, bố mẹ em vẫn bắt bé phải giao lưu với người hâm mộ. Không ít người yêu thương bé P đã bày tỏ sự thất vọng, khi gia đình P đang thiếu sự bảo vệ, tôn trọng danh tính của bé.
Trên một trang mạng xã hội phổ biến, có những bậc cha mẹ, người lớn vô tư đăng video trẻ em lên mạng để “câu view, câu like”. Ý định người đăng để kể những câu chuyện hài hước, vui vẻ. Lấy ví dụ, một tài khoản đã quay clip “hỏi cung” cô con gái 13 tuổi trót yêu sớm. Hình ảnh nữ sinh không làm mờ mặt, hiện rõ vẻ lo lắng, lúng túng, xấu hổ khi bị mẹ tra hỏi nhận được những phản hồi tiêu cực. Không ít phụ huynh cho rằng, người mẹ nên hỏi ý kiến của cô gái trước khi tự ý đăng clip “xấu hổ” này của em lên mạng xã hội..
Trẻ em “mất” quyền cá nhân trong thế giới ảo
Thực tế, các kênh thông tin trên mạng xã hội đang trở thành “không gian” để kiếm tiền hoặc thu hút sự chú ý. Ví dụ, khi các kênh này có nhiều lượt xem và chia sẻ, bố mẹ các em có thể bật tính năng kiếm tiền, hoặc nhận quảng cáo từ các nhãn hàng. Hiện nay, mức giá cho việc sử dụng hình ảnh em bé nổi tiếng dao động từ vài triệu cho tới cả trăm triệu đồng, tùy loại sản phẩm và lượng tương tác từng kênh. Nguồn thu hấp dẫn dễ dàng thúc đẩy nhiều người lớn liên tục sản xuất nội dung, đưa con trẻ lên mạng mà không ý thức được hoặc bất chấp những hậu quả lâu dài.
Vì vậy, những tin nóng, chủ đề được nhiều người quan tâm sẽ trở thành tâm điểm để chủ kênh thông tin khai thác. Với quan niệm, “trẻ em không biết gì”, nhiều người lớn đã vô tình hoặc cố ý đăng tải hình ảnh, video của các em công khai trên mạng Internet. Đó có thể là những video quay lại cảnh các em bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình, gặp tai nạn giao thông,... nhưng không được làm mờ khuôn mặt, nhân dạng. Khiến những người tò mò dễ dàng tìm ra danh tính và có lời lẽ, hành động ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của các em.
Hay việc đăng bảng điểm thành tích cá nhân, ưu thế nổi trội của trẻ em lên mạng xã hội, có thể khiến các em trở thành tâm điểm sự chú ý, so sánh hoặc ghen ghét, đố kị. Điều này có tác động trực tiếp đến mối quan hệ của các em.
Chưa kể đến việc khi bị lộ thông tin trên không gian ảo, các em dễ dàng trở thành đối tượng bị những kẻ xấu nhắm đến để lợi dụng. Ví dụ như, dụ dỗ, lừa các em bỏ nhà đi bụi để buôn người; hoặc lạm dụng tình dục các em; khống chế, bắt các em ăn trộm tiền của bố mẹ để đưa cho bọn chúng,...
Vì vậy, người lớn không nên tùy tiện sử dụng công khai hình ảnh, thông tin cá nhân của các em. Mỗi người lớn cần phải có sự tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em, thanh, thiếu niên. Người lớn kể cả bố mẹ, họ hàng, anh chị em cần phải hỏi ý kiến của các trẻ em trước khi đăng tải clip, hình ảnh liên quan đến các em trên mạng xã hội.