Đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất là cần thiết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng quy định đánh thuế đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang là cần thiết.
Chiều 23/11, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.
Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều: Đánh giá kết quả thực hiện; Nhiệm vụ, giải pháp và Điều khoản thi hành. Trong phần đánh giá kết quả thực hiện, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, với những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ ra.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 - 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024. Chính phủ, các Bộ, ngành đã khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các Luật; các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ đang xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều nhiều luật khác có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn, đầu tư, quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy, địa chất và khoáng sản, công chứng… Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, nhiều kiến nghị đã được nghiên cứu tiếp thu để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành và dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội... nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết cũng nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội giao Chính phủ thực hiện, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện.
Trong đó, Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ...; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự, làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá.
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam...
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu việc đánh thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với người sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản để trình Quốc hội trong năm 2025.
UBTVQH báo cáo, việc xây dựng quy định đánh thuế đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang là cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nội dung này hiện nay đang được Chính phủ nghiên cứu, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp, xem xét trong tổng thể định hướng xây dựng pháp luật và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi bảo đảm yêu cầu.