Đánh thức dòng tín dụng chuỗi giá trị từng bị bỏ ngỏ

Khoảng 15 năm trước, một đề xuất cho vay theo chuỗi giá trị từng bị bỏ ngỏ. Hiện hình thức cho vay theo dòng tiền, yếu tố cốt lõi của cho vay theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị được nhấn mạnh trở lại trong Nghị quyết 68-NQ/TW, như một giải pháp thúc đẩy và đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân. Dù một số ngân hàng đã triển khai, mô hình này vẫn cần thêm 'mắt xích' để thành hình.

Cho vay theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị là một hình thức cho vay theo dòng tiền. Ảnh tư liệu

Cho vay theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị là một hình thức cho vay theo dòng tiền. Ảnh tư liệu

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng đã chia sẻ về đề xuất từng ấp ủ suốt nhiều năm, đó là xây dựng một nghị định mới về cho vay theo chuỗi giá trị, với trọng tâm là chuỗi nông sản. Gần 15 năm trước, ông Hòe là người đã dồn nhiều công sức để hoàn thiện các chương nội dung của dự thảo nghị định này. Thế nhưng, điều khiến nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng trăn trở là đến nay, kiến nghị đó vẫn chưa đưa vào thực tiễn, dù nhu cầu và tính cấp thiết của cho vay theo chuỗi giá trị ngày càng rõ.

Tín dụng chuỗi giá trị được “gọi tên” trong Nghị quyết 68-NQ/TW

Tại hội thảo do một "ông lớn" Big 4 tổ chức ở Phú Quốc nhiều năm trước, trong vai trò Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng, ông Phạm Xuân Hòe trực tiếp trình bày đề xuất và kết luận chuyển dự thảo nghị định sang Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) để tiếp tục xử lý. Đến nay, ông Hòe vẫn khẳng định rằng, đề xuất này còn nguyên giá trị thực tiễn, Việt Nam vẫn chưa có mô hình tài chính chuỗi giá trị đúng nghĩa "value chain finance".

Ba trụ cột trong cho vay chuỗi giá trị

"Cho vay chuỗi giá trị có 3 trụ cột chính. Trụ cột 1 gồm doanh nghiệp chủ chuỗi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong toàn chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm - đây cũng là trụ cột xương sống của toàn chuỗi trong 3 trụ cột của quá trình triển khai cho vay theo chuỗi giá trị. Trụ cột 2 là các định chế tài chính và sản phẩm dịch vụ tài chính cung ứng cho toàn chuỗi giá trị. Ở trụ cột này điểm cốt tử để duy trì được thành công và có thể cho vay tín chấp 100% đó là kiểm soát được dòng tiền, đương nhiên đi liền phải duy trì được kỷ luật thanh toán không dùng tiền mặt - các khoản cho vay, chuyển tiền phải nằm trong các ngân hàng. Ở trụ cột 3 gồm các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp là người cung ứng dịch vụ công/dịch vụ hỗ trợ". Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng

Tầm quan trọng của việc xây dựng tín dụng gắn với chuỗi giá trị hiện đang tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu rõ trong Nghị quyết là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực như tín dụng xuất khẩu và tín dụng theo chuỗi cung ứng.

Nghị quyết cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng và tài chính cho vay trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, dòng tiền và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị thay vì chỉ dựa vào tài sản bảo đảm.

Nhiều ngân hàng nhập cuộc, nhưng vốn chưa chảy mạnh

Một số ngân hàng lớn trong nước như VietinBank, BIDV, Agribank, hay các ngân hàng ngoại như UOB đang từng bước xây dựng hệ sinh thái tài chính số, tích hợp đa dạng dịch vụ trên một nền tảng ứng dụng duy nhất.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ngân hàng UOB cho biết, hiện giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng mới chỉ được áp dụng cho một số doanh nghiệp lớn, chưa triển khai đại trà đối với tất cả các doanh nghiệp. Đây là một giải pháp do phía Singapore phát triển và hiện mới được triển khai tại Việt Nam.

Theo mô hình của UOB, ngân hàng sẽ cấp tín dụng cho một doanh nghiệp lớn cùng với các nhà cung cấp và nhà phân phối có liên kết trực tiếp với doanh nghiệp đó. Chẳng hạn, nếu Coca-Cola là doanh nghiệp trung tâm, thì các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà phân phối đáp ứng tiêu chuẩn của Coca-Cola sẽ được cấp vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh trong chuỗi. Toàn bộ quy trình được số hóa và xử lý trực tuyến thông qua ứng dụng. Ngân hàng vẫn trong quá trình đánh giá hiệu quả và mức độ đáp ứng của thị trường trước khi mở rộng triển khai.

Thay vì cho nhiều nông dân vay trực tiếp, vốn gặp nhiều rào cản do thiếu tài sản đảm bảo và thu nhập bấp bênh, nhiều ngân hàng cho vay thẳng qua các mắt xích chính, đầu mối trong chuỗi giá trị như: đại lý vật tư, thương lái hay doanh nghiệp chế biến. Cách làm này không chỉ giúp kiểm soát rủi ro tín dụng tốt hơn, nhờ các đối tác này có năng lực tài chính và uy tín cao, mà còn tối ưu hóa quy trình thẩm định và thu hồi nợ thông qua các hợp đồng bao tiêu, dòng tiền minh bạch và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là hướng đi hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay.

"Chẳng hạn, ngân hàng có thể cho vay trước thu hoạch, tức là cho vay người cung ứng các sản phẩm đầu vào cho người nông dân, còn người nông dân có thể thanh toán trực tiếp từ việc bán các sản phẩm mà không cần phải đi theo một quá trình cho vay truyền thống là cho người nông dân trực tiếp vay" - ông Phạm Xuân Hòe dẫn chứng.

Mặc dù có những đơn vị tiên phong, nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại vẫn tỏ ra thận trọng do lo ngại các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tài trợ chuỗi giá trị. Theo một báo cáo của Viện Chiến lược Ngân hàng, dù có tới 87% ngân hàng thương mại triển khai cho vay theo chuỗi giá trị, nhưng dư nợ với lĩnh vực nông nghiệp vẫn ở mức rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ.

"Mắt xích" quyết định thành bại của tín dụng chuỗi giá trị

Theo ông Phạm Xuân Hòe, vai trò của doanh nghiệp cốt lõi lo đầu ra trong trụ cột 1 vô cùng quan trọng. Nếu không có doanh nghiệp này, coi như cách tiếp cận cho vay chuỗi giá trị thất bại, vì hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được thì dòng tiền đầu tư các khâu trước cũng sẽ khó thu hồi, mọi nguồn lực như đổ sông, đổ biển.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần vào cuộc mạnh hơn, nghiên cứu thấu đáo để có nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện cho vay theo dòng tiền, giảm tỷ lệ cho vay thế chấp tài sản… "Cái khó của Việt Nam hiện nay là liên kết ngang của ngân hàng lỏng lẻo, sợ mất thị phần và thường vẫn giải ngân bằng tiền mặt từ 100 triệu trở xuống. Khi dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng thì quản lý thu hồi nợ sẽ rất khó khăn nếu như ý thức trả nợ người vay không tốt" - ông Hòe nhận định.

Cùng chung quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho vay theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị là một hình thức cho vay theo dòng tiền. Khi chuỗi hoạt động khép kín, mọi giao dịch thanh toán giữa các bên đều được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, điều này cho phép ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng tiền và xác định được nguồn trả nợ, từ đó có thể bỏ qua yêu cầu về tài sản thế chấp, một bước tiến lớn so với mô hình như ngân hàng "cầm đồ" truyền thống.

Mô hình này không phức tạp như nhiều người nghĩ, mà ngược lại khá đơn giản và khả thi nếu triển khai đúng cách. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng mô hình tài chính khép kín, tập trung quan hệ tín dụng vào một hoặc một vài ngân hàng, khi đó, ngân hàng có đủ cơ sở để cho vay tín chấp, dựa trên dòng tiền và giảm rủi ro tín dụng.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/danh-thuc-dong-tin-dung-chuoi-gia-tri-tung-bi-bo-ngo-179889-179889.html
Zalo