Đánh thức 'chuỗi tài nguyên vàng' - Bài cuối: Kiến tạo Quảng Trị thành điểm đến tầm cỡ

Với nguồn tài nguyên du lịch được đánh giá là đa dạng bậc nhất cả nước - từ kỳ quan thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử, biển đảo đến hành lang biên giới – tỉnh Quảng Trị mới đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên thành điểm đến tầm cỡ quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng đó, đòi hỏi chiến lược phát triển bài bản, thể chế linh hoạt, thương hiệu đặc trưng và tư duy liên kết mạnh mẽ, sáng tạo.

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Cần thể chế đặc thù - chiến lược thương hiệu riêng

Trong hơn một thập kỷ qua, Quảng Bình và Quảng Trị đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, do thiếu điều phối tổng thể, thiếu cơ chế liên kết vùng, tiềm năng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Việc hợp nhất hai địa phương là cơ hội để tái cấu trúc mô hình quản lý du lịch theo hướng hiện đại, tích hợp và linh hoạt hơn.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự, cần thiết phải có cơ chế linh hoạt, chính sách đầu tư ưu đãi, mô hình quản lý đa ngành, đa trung tâm và đặc biệt là thể chế phát triển riêng cho vùng trọng điểm”.

Một trong những đề xuất của các chuyên gia về du lịch - lữ hành là thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Đây sẽ là đầu mối chiến lược, điều phối đầu tư, giám sát chất lượng sản phẩm, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu tổng thể.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà nhấn mạnh: “Cần sớm điều chỉnh Quy hoạch phát triển không gian và ngành du lịch trong tổng thể Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Trị mới trên cơ sở kế thừa thành quả hai tỉnh cũ, đồng thời phát huy lợi thế so sánh rõ rệt về địa hình, di sản và bản sắc”.

Hiện tại, trong nhận thức công chúng, Quảng Bình thường gắn với thiên nhiên hùng vĩ, Quảng Trị gắn với chiều sâu ký ức. Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch quốc tế, vẫn còn thiếu một thương hiệu vùng đủ mạnh để tạo ấn tượng sâu sắc và khác biệt.

Bà Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia truyền thông nhận định: “Không thể gọi chung là "du lịch Quảng Bình - Quảng Trị". Phải định vị lại bản sắc cốt lõi, xác lập cảm xúc chủ đạo và thông điệp xuyên suốt. Có thể là "Hành trình từ hang động đến chiến trường xưa" hay "Miền ký ức sống động", nhưng quan trọng là thương hiệu đó phải nhất quán, chuyên nghiệp và có chiều sâu”.

Một chiến lược thương hiệu mạnh cần bao gồm bộ nhận diện đồng bộ: logo, slogan, bản đồ số, app du lịch đa ngôn ngữ, phim quảng bá, hệ thống truyền thông đa nền tảng. Đồng thời, cần khảo sát các nhóm thị trường trọng điểm - khách nội địa (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) và khách quốc tế (Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Lào...) để thiết kế nội dung tiếp cận phù hợp.

Đầu tư trọng điểm - Liên kết đa chiều

Một chiến lược thương hiệu không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu đầu tư đúng hướng. Quảng Trị mới chỉ có thể bứt phá khi đầu tư trọng tâm, theo cụm, theo trục, tránh dàn trải.

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Không thể đầu tư dàn trải. Phải chia vùng phát triển cụ thể, mỗi cụm có sản phẩm du lịch chủ lực, dịch vụ vệ tinh đi kèm. Ưu tiên nơi có khả năng hút khách, tính kết nối cao”. Theo ông Tân, du lịch Quảng Trị đang gặp khó khăn lớn về hạ tầng kết nối, thiếu sản phẩm đặc sắc, trong khi đó điểm đến chưa được định vị rõ nét và nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Đặc biệt là thiếu nhà đầu tư chiến lược khiến dịch vụ chưa đủ sức cạnh tranh. Để tháo gỡ, cần đột phá bằng sân bay, cảng biển, đầu tư resort ven biển - du lịch mạo hiểm; đồng thời xây dựng thương hiệu “Miền đất Hòa bình và Hồi sinh”, chuyển đổi số điểm đến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn. Quảng Trị cần có tư duy đổi mới và chọn khác biệt để bứt phá.

Ba cụm trọng điểm đang được đề xuất: Cụm thiên nhiên - sinh thái (phía Bắc) gồm: Phong Nha - Nhật Lệ - biển Mỹ Thủy - đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch khám phá, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao biển. Cụm Di sản - tâm linh - ký ức (trục Đông - Tây): Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải, Nhà thờ La Vang, Khe Sanh để phát triển tour tri ân, giáo dục truyền thống, tâm linh. Cụm mạo hiểm -biên giới (Đakrông - Hướng Hóa - Lao Bảo): Trekking rừng, hồ Khe Sanh, caravan xuyên biên giới, khám phá bản làng, phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số.

Ông Lê Lưu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss - đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm - đề xuất: “Chính quyền tỉnh cần mạnh dạn mở cơ chế thử nghiệm các sản phẩm mới như Zipline, đi bộ trên không, leo vách núi, cắm trại trên cao... để tạo sự hấp dẫn và giữ chân du khách. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý minh bạch để doanh nghiệp sáng tạo trong khung pháp luật”.

Bà Nguyễn Lệ Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Hà nhận định: “Du lịch hiện đại là ngành công nghiệp trải nghiệm. Hạ tầng không chỉ là đường sá, mà còn là dịch vụ hỗ trợ, tiện ích tiếp cận, công nghệ tương tác. Hiện nay, nhân lực là điểm nghẽn lớn nhất tại Quảng Trị”. Thực tế, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, đặc biệt thiếu hướng dẫn viên có kiến thức văn hóa - lịch sử, kỹ năng dẫn tour chuyên biệt, khả năng ngoại ngữ và công nghệ.

Tỉnh Quảng Trị mới cần phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành để tổ chức các khóa huấn luyện hướng dẫn viên di sản, thuyết minh thực cảnh, dẫn tour trekking, tổ chức sự kiện du lịch. Đồng thời, khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng, phát triển homestay, sản phẩm OCOP, ẩm thực và làng nghề truyền thống.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình cho rằng, để du lịch Quảng Trị mới phát triển bền vững, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa các vùng - cụm - điểm đến; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch; triển khai chuyển đổi số đồng bộ phục vụ quản lý, xúc tiến, quảng bá. “Chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh: bản đồ số, nền tảng dữ liệu lớn, hệ thống quản trị thông tin ngành, tích hợp giữa cơ quan nhà nước - doanh nghiệp - du khách”, ông Hà cho biết.

Ngoài ra, để du lịch phát triển lâu dài, cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường đào tạo nhân lực theo địa chỉ, định hướng chuyên biệt và đào tạo lại kỹ năng số, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ nhân sự trong ngành.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mới xác định du lịch là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế chủ lực trong giai đoạn tới. Hiện địa phương đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2040, với tầm nhìn xây dựng Quảng Trị mới trở thành trung tâm du lịch lịch sử - sinh thái - biển đảo hàng đầu miền Trung. Trọng tâm chiến lược là: thu hút đầu tư lớn vào các dự án du lịch quy mô từ các tập đoàn trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu điểm đến Quảng Trị mới khác biệt, bản sắc, gắn với các giá trị xanh - sạch - bền vững.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị Lê Minh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi không đi tìm một Quảng Trị mới trên giấy tờ, mà là một Quảng Trị có tâm thế bứt phá - được xác lập bằng tư duy tích hợp - sáng tạo. Du lịch sẽ là lĩnh vực tiên phong, đánh thức tiềm năng và khơi mở khát vọng của vùng đất giàu ký ức và giá trị này”.

Nguyên Linh - Tá Chuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/danh-thuc-chuoi-tai-nguyen-vang-bai-cuoi-kien-tao-quang-tri-thanh-diem-den-tam-co-20250630095851253.htm
Zalo