Danh mục công trình ngầm được khuyến khích đầu tư
Tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1) (thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô 2024).
Luật Thủ đô 2024

Máy khoan hầm mang tên Thần tốc khoan đến ga S10 - Cát Linh. Ảnh: Phạm Công
Các công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng
Theo Nghị quyết các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng là công trình phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm: tuyến đường sắt đô thị ngầm, nhà ga ngầm và các công trình ngầm khác liên quan); công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, TDTT,…); công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị (bao gồm: hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm); công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cung cấp năng lượng, phục vụ chiếu sáng công cộng, viễn thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng, an toàn môi trường); công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, thể thao, thương mại, phát triển du lịch.
Các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng đợt 1 gồm: danh mục các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm, gồm: 08 tuyến (Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi; Trôi – Nhổn – Yên Sở; Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà; Văn Cao – Hòa Lạc; Sơn Đồng – Lĩnh Nam – Dương Xá; Ngọc Hồi – Sân bay thứ 2 phía Nam; Cát Linh – Yên Nghĩa; Vành đai 2 – Sân bay thứ 2 phía Nam) có tổng chiều dài khoảng 320,25km, 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm.
Danh mục đầu tư xây dựng hầm giao thông đường bộ, bãi đỗ xe ngầm và công trình công cộng ngầm, gồm: 85 công trình, trong đó có 05 hầm chui đường bộ (Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng; Cổ Linh – cầu Vĩnh Tuy; Mễ Trì – Dương Đình Nghệ; Tây Thăng Long – Vành đai 4; Vành đai 3,5 – Đại lộ Thăng Long), 78 bãi đỗ xe ngầm và 2 công trình công cộng ngầm; danh mục các tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: 95 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Không gian ngầm đô thị mang lại nhiều lợi ích
Chia sẻ triển khai quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô 2024, ThS Nguyễn Thị Phượng, Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư cho biết, TP Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Do vậy, lần đầu tiên, quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm được quy định trong Luật Thủ đô 2024. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này sẽ mở ra giải pháp hữu hiệu cho việc triển khai quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm nói chung, theo Luật Thủ đô 2024.
ThS Nguyễn Thị Phượng cho rằng, việc khai thác và sử dụng không gian ngầm đô thị mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Vì vậy, để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một TP ngày một hiện đại, duy trì cảnh quan lịch sử, văn hóa và mở rộng năng lực của cơ sở hạ tầng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất.
Để triển khai thực thi Luật Thủ đô 2024 về quản lý, sử dụng không gian ngầm, trong thời gian tới, Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, nhất là quy định cụ thể về độ sâu ngầm. Bởi lẽ, việc xác định độ sâu ngầm giúp Nhà nước phân định rạch ròi ranh giới quyền sử dụng đất hay sở hữu công trình ngầm của cá nhân, tổ chức, so với phần thuộc sở hữu của Nhà nước. Đặt ra được giới hạn cho độ sâu ngầm giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà thực trạng phát triển công trình ngầm hiện đang gặp phải trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung.
Cùng với đó, cần sớm tiến hành tổ chức quy hoạch sử dụng không gian ngầm một cách toàn điện và chi tiết nhằm đạt được hiệu quả sử dụng ngầm cao nhất về mặt không gian và thời gian. Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện có hiệu quả đồ án "Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000". Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồ án này nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới.
Đồng thời, cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công trình ngầm. Cơ quan quản lý Nhà nước cần thiết lập, cập nhật và công khai hóa các số liệu phục vụ cho công tác thiết kế, lập dự án các công trình ngầm như: hiện trạng các công trình dưới lòng đất, từ hệ thống thoát nước, cấp nước, thông tin liên lạc tới giao thông ngầm; với các công trình kiến trúc ngầm và các công trình xây dựng có tầng hầm phải chỉ ra được quy mô, vị trí phần ngầm cùng với chiều sâu móng, số tầng hầm đã xây dựng. Các số liệu địa chất, nước ngầm toàn TP cũng là những dữ liệu quan trọng trong công tác thiết kế, lập dự án cũng cần được công bố và cập nhật thường xuyên.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng cho biết, việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, đầu tiên dễ nhận thấy đó là nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.
Ngoài ra, việc phát triển không gian ngầm còn góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Đặc biệt quan trọng hơn là nó tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng. Theo đó các công trình ngầm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ an toàn khi có thiên tai hoặc chiến tranh xảy ra...
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho hay, hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà. Tương tự trong đô thị trung tâm của TP, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một TP ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. TP hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân.
Những TP ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống. Về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực.
Để bảo đảm không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa những mục đích sử dụng khác nhau. Không gian ngầm Hà Nội có thể khai thác hiệu quả theo ba lớp: lớp nông (0 - 5m) cho hạ tầng kỹ thuật, lớp trung bình (5 - 15m) cho công trình công cộng và bãi đỗ xe, và lớp sâu (15 - 30m) cho giao thông ngầm. Khai thác nước ngầm và năng lượng địa nhiệt. Hiểu rõ về việc sử dụng bề mặt hiện tại và tương lai là điều kiện tiên quyết để quy hoạch không gian ngầm hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Công Giang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội