Dành hơn 122 nghìn tỷ đồng phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Sáng 27/11, với 430 đại biểu tán thành (đạt tỉ lệ 89,77%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển là 50.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 27.000 tỷ đồng.

Vốn ngân sách địa phương là 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

89,77% đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

89,77% đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Trước đó Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo ông Vinh, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về chủ trương đầu tư, những nội dung cơ bản của chương trình và dự thảo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện chương trình.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Theo ông Vinh, các ý kiến thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế.

Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quoc-hoi-chot-danh-hon-122-nghin-ty-dong-phat-trien-van-hoa-19224112709215894.htm
Zalo