Dành hơn 122.000 tỷ đồng phát triển văn hóa trong 5 năm

Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Theo Nghị quyết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Về kinh phí thực hiện Chương trình, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); Vốn ngân sách địa phương 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); Nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035.

Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa: các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; các nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Phân bổ vốn ngân trách trung ương còn phải bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.

Các dự án thuộc Chương trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương được lập, thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc thực hiện theo cơ chế rút gọn được Chính phủ ban hành đối với dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp và theo các văn bản pháp luật hiện hành.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/danh-hon-122-000-ty-dong-phat-trien-van-hoa-trong-5-nam.html
Zalo