Đằng sau tuyên bố 'sốc' của ông Trump về các nước khối BRICS

Tuyên bố về việc áp thuế lên các nước thuộc khối BRICS của Tổng thống đắc cử Donald Trump làm dấy lên nhiều tranh luận về tương lai của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong một động thái gây chú ý, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra đồng tiền mới thay thế USD.

"Đã đến lúc chấm dứt ảo tưởng của những nước BRICS rằng chúng ta sẽ đứng yên nhìn họ tách khỏi đồng USD”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. “Chúng tôi yêu cầu các quốc gia này cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới của khối BRICS, cũng như không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức áp thuế 100% và nên chờ đến ngày nói lời tạm biệt với việc bán hàng hóa vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ".

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra đồng tiền mới thay thế USD. Ảnh: Mid-day

Nhiều chuyên gia lo ngại động thái trên có thể gây tổn hại đối với người tiêu dùng Mỹ và thương mại toàn cầu, nhất là khi nhiều quốc gia đang hướng tới mục tiêu "phi USD hóa" do các động lực địa chính trị và kinh tế.

Vị thế thống trị của đồng USD

Kể từ sau Thế chiến II, đồng USD dần thay thế bảng Anh để trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán chủ đạo trên toàn cầu, đồng thời giữ vị trí độc tôn trong hệ thống tài chính quốc tế. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều nắm giữ USD như một phần quan trọng trong dự trữ ngoại hối của họ, chủ yếu dưới dạng trái phiếu kho bạc Mỹ - thị trường trái phiếu lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới.

Ngoài việc chiếm phần lớn dự trữ, USD cũng là loại tiền tệ được ưu tiên hàng đầu trong các giao dịch thương mại trên thế giới. Các mặt hàng quan trọng, chẳng hạn như dầu mỏ, chủ yếu được mua bán bằng USD, và một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út và thậm chí cả Liên minh châu Âu vẫn ít nhiều phụ thuộc vào USD. Vai trò này mang lại cho Mỹ nhiều lợi thế đáng kể, như có thể vay vốn với chi phí thấp hơn nhờ nhu cầu cao đối với trái phiếu chính phủ.

Đồng thời, vị thế trung tâm trong hệ thống thanh toán quốc tế cũng giúp Mỹ thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính hiệu quả đối với các quốc gia khác. Việc nước này sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu làm công cụ trừng phạt từng được thể hiện rõ qua nhiều trường hợp. Điển hình là sau cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022, Washington đã cắt đứt Moscow khỏi hệ thống SWIFT và đóng băng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Điều này buộc nhiều quốc gia phải cân nhắc lại sự phụ thuộc vào đồng USD.

Xu hướng “phi USD hóa”

Dù vẫn giữ vị thế thống trị, nhưng tương lai của đồng USD đang đứng trước nhiều thách thức. Việc Washington liên tục sử dụng USD như một công cụ trừng phạt có thể đẩy nhanh xu hướng “phi USD hóa” - các nước tìm kiếm giải pháp thay thế để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một đơn vị tiền tệ của Mỹ.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc khối BRICS, ngày càng thể hiện rõ mong muốn giảm sự phụ thuộc vào USD. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã công khai đặt vấn đề về việc sử dụng đồng tiền riêng cho thương mại nội khối. Trung Quốc cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể khi tăng tỷ trọng nhân dân tệ trong dự trữ toàn cầu từ 1% lên 3% kể từ năm 2016.

Một số quốc gia khác cũng bắt đầu thực hiện các giao dịch không qua USD. Chẳng hạn, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua dầu từ Nga bằng những đơn vị tiền tệ khác sau các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, việc phát triển một đồng tiền BRICS thống nhất vẫn còn nhiều thách thức do những khác biệt về cấu trúc kinh tế và chính sách tiền tệ giữa các thành viên.

Nguy cơ "gậy ông đập lưng ông"

Theo các chuyên gia, lời đe dọa áp thuế 100% của Tổng thống đắc cử Trump là không thực tế và có thể gây phản tác dụng. Trong cuộc phỏng vấn với báo Times of India, Ajay Srivastava, người sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu, nhận định thuế quan ở mức này sẽ làm tổn hại tới người tiêu dùng Mỹ thông qua việc đẩy giá cả trong nước lên cao và có nguy cơ kích hoạt các biện pháp trả đũa từ đối tác thương mại.

Hơn nữa, xu hướng đa dạng hóa tiền tệ là một quá trình tất yếu, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, không dễ bị ngăn cản bởi các mối đe dọa đơn thuần. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cũng từng chỉ ra rằng, thị phần của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần, và sự trỗi dậy của các đồng tiền khác như Euro và yên đang làm suy giảm ưu thế của đồng USD.

Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn vai trò của USD là điều khó xảy ra trong ngắn hạn. Thị trường tài chính Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới. Điều có thể xảy ra là một hệ thống đa cực hơn, trong đó USD chia sẻ vai trò với các đồng tiền khác, đặc biệt trong thương mại khu vực và song phương.

Suy cho cùng, lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Donald Trump phản ánh mối lo ngại về sự suy giảm ảnh hưởng của đồng USD, nhưng các biện pháp cưỡng chế như áp thuế cao có thể không phải là giải pháp hiệu quả. Thay vào đó, Mỹ cần có chiến lược dài hạn để duy trì sức mạnh kinh tế và uy tín của đồng tiền, đồng thời thích ứng với xu hướng đa cực hóa trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dang-sau-tuyen-bo-soc-cua-ong-trump-ve-cac-nuoc-khoi-brics.html
Zalo