Đằng sau những kỷ vật về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi
Những kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thể hiện lý tưởng sống, niềm tin vào tương lai, tình yêu trong sáng trong lửa đạn. Đằng sau mỗi kỷ vật nhỏ bé là câu chuyện chạm đến trái tim của bao thế hệ.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu trữ một số kỷ vật gắn với anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước.
Sự hy sinh anh dũng, hiên ngang của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi nơi pháp trường từng khiến kẻ thù khiếp sợ và gây chấn động cả thế giới. Từ đó, những kỷ vật của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi còn là mảnh ghép xúc động về một tình yêu cách mạng, lý tưởng bất khuất, trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ.
Trong đó, cây đàn măng-đô-lin của liệt sĩ được đặt trang trọng trong phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, là kỷ vật kể lại cuộc đời và tình yêu lứa đôi ý nghĩa. Cây đàn được phái đoàn đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc trao tặng bảo tàng. Cây đàn đã bị giặc tàn phá khi khám xét nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sau sự kiện cầu Công Lý.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phòng Giáo dục truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Xác định đây là hiện vật rất quan trọng nên bảo tàng đã giao xưởng nhạc cụ khôi phục lại nguyên trạng theo thiết kế ban đầu. Cây đàn được hoàn thành vào tháng 12/1967. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng và quen chị Phan Thị Quyên, anh Nguyễn Văn Trỗi thường đánh đàn cho chị Quyên nghe và từ đó, tình cảm của hai người phát triển và nảy nở. Cây đàn này là minh chứng cho tình yêu của anh và chị”.
Bảo tàng lịch sử quốc gia cũng đang lưu trữ thiệp cưới, chiếc khăn tay chị Phan Thị Quyên thêu tặng chồng trong thời gian anh bị giam giữ tại nhà lao Chí Hòa. Bên cạnh đó là 10 bức thư anh viết từ nhà lao gửi vợ và người thân. Dù hy sinh vào năm 1964 khi mới 24 tuổi nhưng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến tiếp tục thông tin: “Khách tham quan trong và ngoài nước rất quan tâm đến hình ảnh và kỷ vật gắn với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Những hiện vật này đã truyền cảm hứng cho nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ sống nhân ái, có lý tưởng và biết yêu thương bằng cả trái tim”.
Chị Nguyễn Thị Trâm (phường Trí Quả, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Hôm nay có cơ hội đến với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, em cảm thấy tự hào, biết ơn về sự hy sinh của các anh hùng dân tộc, đặc biệt là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi".
Anh Nguyễn Hữu Hưng (xã Xuân Mai, TP. Hà Nội) cho biết: “Em biết đến anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Em ấn tượng về tinh thần yêu nước, kiên cường đến phút cuối anh hy sinh. Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi cho em những động lực rất lớn để đóng góp, thể hiện tinh thần yêu nước, đóng góp cho xã hội".
Những kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thể hiện lý tưởng sống, niềm tin vào tương lai, tình yêu trong sáng trong lửa đạn. Đằng sau mỗi kỷ vật nhỏ bé là câu chuyện chạm đến trái tim của bao thế hệ.