Đằng sau chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Hungary

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến Kiev vào ngày 2-7 trong chuyến thăm Ukraine đầu tiên kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Ông Orban từ lâu đã có quan điểm thân thiện với Điện Kremlin, phản đối viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary - quốc gia thành viên EU - đã đơn độc trong nhiều tháng qua ngăn chặn gói viện trợ trị giá 52 tỷ USD của châu Âu dành cho Ukraine, nhưng sau đó đã rút lại sự phản đối. Ông cũng từ chối chấp nhận Thụy Điển là thành viên mới của NATO trong suốt hơn một năm trước khi nhượng bộ trước áp lực từ các nước lớn hơn và đồng ý vô điều kiện. Do đó chuyến thăm của ông Orban tới Kiev gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là khá bất ngờ.

Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo chung tại Kiev hôm 2-7. Ảnh: AFP

Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo chung tại Kiev hôm 2-7. Ảnh: AFP

Các quan chức Hungary giải thích chuyến đi không báo trước đó là một nỗ lực nhằm thúc đẩy "hòa bình". Trong khi đó, nhiều nhà quan sát coi đây là một động thái của ông Orban nhằm tìm cách chấm dứt sự cô lập của châu Âu đối với ông liên quan đến vấn đề Ukraine.

Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Orban diễn ra một ngày sau khi Hungary đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào ngày 1-7 với lời hứa sẽ "làm cho châu Âu vĩ đại trở lại". Peter Kreko, giám đốc Political Capital, một nhóm nghiên cứu ở Budapest, mô tả chuyến thăm Kiev của ông Orban là một "bất ngờ khôn ngoan, có thể cải thiện cơ hội tiến gần hơn đến dòng chảy chủ đạo của EU" và xây dựng liên minh với những nhân vật bảo thủ như Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni. Khi Hungary tuần trước tuyên bố thành lập một liên minh cánh hữu mới trong Nghị viện châu Âu mang tên "Những người yêu nước vì châu Âu", Thủ tướng Orban đã tuyên bố đây là sự khởi đầu của một "kỷ nguyên mới" về "hòa bình, an ninh và phát triển" thay vì "chiến tranh, di cư và trì trệ" - kỷ nguyên "sẽ thay đổi nền chính trị châu Âu". Nhưng liên minh lập pháp mới do Hungary lãnh đạo, mà ông Orban dự đoán "sẽ sớm trở thành nhóm chính trị cánh hữu mạnh nhất ở châu Âu", chỉ thu hút được hai đảng dân túy nhỏ từ Áo và Cộng hòa Czech. Sau đó, một đảng cánh hữu nhỏ của Bồ Đào Nha cũng cho biết họ sẽ tham gia. Nhưng cho đến nay, các đảng theo chủ nghĩa dân tộc hùng mạnh nhất châu Âu đều đứng ngoài cuộc.

Bằng cách tới Ukraine, ông Orban muốn thể hiện cách tiếp cận cởi mở hơn với Kiev. Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà, Thủ tướng Hungary cho biết: "Tôi đã đề xuất với Tổng thống Ukraine suy nghĩ xem liệu có thể đảo ngược quy trình và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn trước hay không. Lệnh ngừng bắn có thời hạn sẽ tạo cơ hội để đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình".

Tuy nhiên, đề xuất của Thủ tướng Hungary dường như chưa được Ukraine phản ứng tích cực. Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Ihor Zhovkva cho biết người đứng đầu nhà nước Ukraine bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Hungary. Ông Zhovkva cho biết thêm rằng Tổng thống Ukraine đã lắng nghe đề xuất của Thủ tướng Hungary, nhưng để đáp lại, ông Zelensky đã nêu quan điểm rõ ràng, dễ hiểu và được nhiều người biết đến của phía Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây cũng xác nhận, Ukraine đang vạch ra một "kế hoạch toàn diện" để dẫn đến việc kết thúc cuộc xung đột với Nga. Điều rất quan trọng là Ukraine muốn đưa ra một kế hoạch được đa số thế giới ủng hộ, sau đó mới đàm phán với Nga.

Theo tờ The Kyiv Independent, Ukraine trước đó đã bác bỏ việc tạm dừng chiến sự, cho rằng việc này sẽ chỉ tạo cơ hội cho Liên bang Nga tập hợp lại lực lượng của mình. Thay vào đó, Ukraine đã đề xuất Thụy Sỹ đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu vào tháng 6 vừa qua mà không có sự tham gia của Moscow để xem xét các bước đi tới hòa bình.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dang-sau-chuyen-tham-ukraine-cua-thu-tuong-hungary-post297514.html
Zalo