Đảng Nước Mỹ: Cơ hội nào cho tỷ phú Elon Musk?

Việc thành lập một đảng chính trị mới có khả năng cạnh tranh với 2 đảng lớn của nước Mỹ có thể khó khăn hơn cả việc đưa con người lên sao Hỏa. Elon Musk, vị tỷ phú giàu nhất thế giới, đang cố gắng thực hiện cả hai.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang ngày càng phân cực sâu sắc giữa hai đảng lớn Cộng hòa và Dân chủ, ý tưởng về một “lựa chọn thứ ba” không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, chưa có cá nhân nào thực sự phá vỡ được thế thống trị của hai đảng lớn này. Trong bối cảnh đó, tuyên bố thành lập “Đảng Nước Mỹ” (America Party) của tỷ phú Elon Musk - người giàu nhất thế giới và là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong đời sống công và chính trị Mỹ - đang gây nên nhiều đồn đoán lẫn hoài nghi.

CEO Elon Musk khẳng định Đảng Nước Mỹ sẽ là một thực thể chính trị mới, có mục tiêu phá vỡ sự kiểm soát của hai đảng lớn với chính phủ liên bang, nhưng ông vẫn chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể của mình. Nguồn: New York Times

CEO Elon Musk khẳng định Đảng Nước Mỹ sẽ là một thực thể chính trị mới, có mục tiêu phá vỡ sự kiểm soát của hai đảng lớn với chính phủ liên bang, nhưng ông vẫn chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể của mình. Nguồn: New York Times

Dù ông Elon Musk chỉ mới đề cập ý tưởng này trên mạng xã hội X, chưa có bất kỳ thủ tục pháp lý nào được hoàn tất để công nhận đảng mới, tuyên bố của ông vẫn đủ sức khuấy động dư luận. Vấn đề đặt ra là: liệu đây có phải là một bước đi nghiêm túc nhằm thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ, hay chỉ là một trong những phát biểu mang tính thử nghiệm thường thấy của vị tỷ phú này?

Quan trọng hơn, liệu một cá nhân, dù có tầm ảnh hưởng và tài chính dồi dào, có thể xây dựng được một đảng chính trị mới đủ sức cạnh tranh trong một hệ thống vốn được thiết kế để bảo vệ sự ổn định của hai đảng truyền thống hay không?

Ý tưởng còn mơ hồ

Ngày 6/7 vừa qua, ông Elon Musk tuyên bố: “Hôm nay, Đảng Nước Mỹ được thành lập”. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài tuyên bố này và một vài cuộc thảo luận sơ bộ trong nội bộ, chưa có bước đi cụ thể nào được tiến hành. Đảng chưa được đăng ký với Ủy ban Bầu cử Liên bang, chưa có điều lệ, tổ chức, đội ngũ lãnh đạo hay cương lĩnh hành động rõ ràng. Những người thân cận với ông Musk cho biết, hiện tại, ý tưởng này mới dừng lại ở mức “khái niệm”, chưa phải kế hoạch vận hành.

Một số cố vấn đề xuất sử dụng Ủy ban hành động chính trị (super PAC) để xây dựng mạng lưới ban đầu trước khi đảng chính thức ra đời. Song song, họ đang tìm kiếm phản hồi từ chuyên gia chính trị và dư luận qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, những người theo dõi vị tỷ phú này lâu năm cũng nhận thấy: không ít sáng kiến của ông từng được công bố rầm rộ nhưng nhanh chóng bị gác lại khi gặp khó khăn thực tế, hoặc khi sự chú ý của ông chuyển sang lĩnh vực khác. Do đó, việc CEO Tesla có theo đuổi dự án này đến cùng hay không vẫn còn là ẩn số.

Rào cản pháp lý và thực tiễn

Ngay cả khi tỷ phú Elon Musk quyết tâm theo đuổi kế hoạch, con đường thành lập và vận hành một đảng chính trị mới tại Mỹ là vô cùng gian nan. Hệ thống luật bầu cử tại Mỹ cho phép mỗi bang ban hành các quy định riêng về điều kiện để đảng phái và ứng cử viên được đưa vào danh sách tranh cử. Điều này tạo nên một “mê cung” pháp lý với mức độ phức tạp và chi phí rất cao.

Ông Oliver Hall, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ Cạnh tranh, nơi giúp các ứng cử viên của các đảng nhỏ vượt qua các rào cản pháp lý, cho biết: “Việc thành lập một đảng chính trị cấp quốc gia ở Mỹ là một công việc gần như không thể”.

Tại bang Georgia, một trong những nơi có luật nghiêm ngặt nhất, ứng viên ngoài hai đảng lớn muốn tranh cử vào Hạ viện phải thu thập tối thiểu 27.000 chữ ký trong khu vực bầu cử. Theo chuyên gia Richard Winger của Ballot Access News, nếu ông Musk muốn có 435 ứng cử viên tranh cử Hạ viện trên toàn quốc, chi phí chỉ riêng cho việc thu thập chữ ký có thể vượt quá 50 triệu USD.

Không chỉ vậy, tên gọi “Đảng Nước Mỹ” cũng có thể gây tranh cãi. Chẳng hạn như bang New York có luật cấm sử dụng từ “American” hoặc các biến thể trong tên đảng chính trị.

Các trở ngại này cho thấy rằng, việc tổ chức một chiến dịch chính trị mang tính quốc gia từ con số 0 không đơn thuần chỉ là chuyện tiền bạc. Nó đòi hỏi một hệ thống tổ chức, luật sư chuyên sâu, chuyên gia bầu cử, nhà vận động hành lang và hàng trăm nhân sự tại từng bang - một hạ tầng chính trị mà hiện nay người giàu nhất thế giới chưa hề có.

Chính trị không phải một "cuộc khởi nghiệp"

Khác với lĩnh vực công nghệ nơi tỷ phú Elon Musk đã làm nên tên tuổi, chính trị không phải là một “thị trường” dễ dàng để ai cũng có thể bước vào. Các đảng chính trị Mỹ không chỉ đơn thuần là phương tiện tranh cử, đó còn là hệ sinh thái chính trị phức tạp với rất nhiều năm tích lũy về nguồn lực, uy tín và kết nối cộng đồng.

Các nỗ lực trước đây nhằm tạo lập đảng thứ ba đều cho thấy một thực tế: duy trì sức ảnh hưởng chính trị đòi hỏi sự kiên trì lâu dài. Đảng Cải cách (Reform Party) của Ross Perot từng gây chấn động với 19 triệu phiếu bầu năm 1992, nhưng nhanh chóng lụi tàn sau khi ông Perot rút lui. Đảng Tiến bước (Forward Party) hay phong trào No Labels cũng từng gây chú ý, nhưng không để lại dấu ấn đáng kể trong các kỳ bầu cử.

Thêm vào đó, đa số các đảng nhỏ đều thiếu nền tảng chính sách rõ ràng. Ông Musk đến nay cũng mới chỉ đưa ra một vài quan điểm rời rạc như cắt giảm thâm hụt ngân sách hay chống lại ảnh hưởng của Tổng thống Donald Trump.

Một chiến lược khả dĩ hơn?

Trước những rào cản về luật pháp và hạ tầng chính trị, nhiều chuyên gia cho rằng CEO Elon Musk nên cân nhắc một lộ trình khác: thay vì lập đảng mới, ông có thể tác động chính trị bằng cách liên kết với các đảng đã có sẵn cơ sở pháp lý như Đảng Tự do (Libertarian), hoặc thông qua các siêu Ủy ban hành động chính trị (super PAC) để hỗ trợ các ứng viên phù hợp.

Một lựa chọn thực tế hơn là tạo ra một “khối thân Musk” trong Quốc hội - tức một nhóm nhỏ các nghị sĩ độc lập hoặc thuộc đảng lớn nhưng sẵn sàng hợp tác với vị tỷ phú trong một số chương trình nghị sự.

Theo ông Nick Troiano, giám đốc điều hành tổ chức Unite America, điều khả thi nhất là tìm kiếm những nghị sĩ hiện tại đang cảm thấy bị mắc kẹt trong hệ thống hai đảng. “Nếu khó nhất là đưa một ứng viên mới vào Quốc hội, thì cơ hội đang bị bỏ qua là: ai trong số những người đang tại nhiệm có thể rời bỏ đảng cũ nếu có hậu thuẫn để tái đắc cử?”. Đây có thể là bước đi khả thi để ông Musk thử nghiệm ảnh hưởng chính trị của mình mà không cần phá vỡ toàn bộ hệ thống.

Khoảng cách từ tầm nhìn đến hiện thực

Tỷ phú Elon Musk không thiếu tiền bạc, tầm ảnh hưởng hay khả năng thu hút truyền thông. Nhưng xây dựng một đảng chính trị thứ ba tại Mỹ không chỉ đòi hỏi những yếu tố đó, mà còn cần một chiến lược dài hạn, sự kiên trì và hiểu biết sâu sắc về cơ chế chính trị - pháp lý, những điều mà tiền không giải quyết được. Trong quá khứ, nhiều tuyên bố “bất ngờ” của ông Musk đã dẫn đến những bước ngoặt lớn, chẳng hạn như việc mua lại Twitter, nhưng cũng không ít sáng kiến chỉ dừng lại ở mức giật tít.

Từ một ý tưởng được đăng tải trên mạng xã hội đến việc hình thành một đảng chính trị có sức sống là một quãng đường dài và gian nan. Dẫu vậy, việc người giàu nhất thế giới nêu ý tưởng về một đảng thứ ba cũng phản ánh một thực tế: nhu cầu cải tổ hệ thống chính trị Mỹ vẫn đang hiện hữu.

Câu hỏi đặt ra là liệu vị tỷ phú có đủ kiên nhẫn, năng lực và đội ngũ để biến Đảng Nước Mỹ thành hiện thực, hay đây sẽ là một ý tưởng nữa bị cuốn trôi trong những dòng tin xoay chuyển từng giờ? Câu trả lời có lẽ sẽ không đến sớm.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dang-nuoc-my-co-hoi-nao-cho-ty-phu-elon-musk-10379235.html
Zalo