Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

Tổ hợp tự nhiên ngày càng “lép vế”

Lý giải nguyên nhân, theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhiều tổ hợp môn lựa chọn do trường THPT xây dựng có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của HS. Số lượng tổ hợp tự nhiên đang bị “lép vế” với tổ hợp xã hội, khiến nguồn đầu vào các ngành Khoa học tự nhiên sụt giảm, không đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước.

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. HS thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên trên thực tế, HS chỉ có thể tự chọn hai môn trong bốn môn mà HS đã đăng ký học từ năm lớp 10 (trên nguyên tắc, HS phải học môn đã tự chọn từ năm lớp 10 và không được thay đổi trong suốt ba năm học THPT).

Theo số liệu thống kê, năm 2017, lần đầu tiên TS lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, số TS chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) nhiều hơn số TS chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) khoảng 90.000 em. Từ năm 2018 đến năm 2023, số TS chọn bài thi Khoa học xã hội vẫn luôn áp đảo so với số TS chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Đến năm 2023, con số chênh lệch lên tới gần 250.000 TS.

Năm 2024, trong khoảng hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, số HS chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ GD&ĐT, so với năm 2023, số TS chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.

Tại Tọa đàm “Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức thông tin, nhiều tỉnh, thành có số HS chọn nhóm các môn Lý, Hóa, Sinh chỉ đạt 11 - 15% khi vào lớp 10. Trong khi đó, số HS lựa chọn môn thi thiên về Khoa học xã hội chiếm tỷ lệ áp đảo. Điều này khiến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học không được giải quyết triệt để.

Đánh giá lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học

Về nguyên tắc, HS được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển sinh dự kiến của các trường đại học tạo nền tảng để học thành công ngành học ở bậc đại học (các tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, B03, C00, D01,...) nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại thuộc nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường. Các chuyên gia giáo dục nhận định, việc HS được lựa chọn nhiều môn học vào lớp 10 được xem là chủ trương tiến bộ khi thực hiện CTGDPT2018. Nhưng qua 2 năm thực hiện CTGDPT mới, không thiếu tình trạng nhiều HS xin đổi tổ hợp môn bởi lựa chọn chưa phù hợp. Các em này phải mất thời gian tự học tại nhà, hay ôn luyện trên trường với thầy cô để bảo đảm yêu cầu cần đạt của môn học chuyển đổi và kịp tiến độ kỳ thi.

Mới đây, tại bản kiến nghị Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc chọn môn diễn ra ngay khi học sinh vào lớp 10, có thể đổi tổ hợp nhưng phải vào cuối năm học khá khó khăn. Bởi không phải trường nào cũng có thể đáp ứng tổ hợp mà các em mong muốn. Theo Hiệp hội, việc bắt HS phải xác định môn lựa chọn từ đầu cấp, lại khó điều chỉnh, đồng nghĩa các em phải sớm khẳng định hướng chuyên môn sâu. Trong khi đó, hoạt động hướng nghiệp còn nhiều hạn chế. HS chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để chọn môn ở bậc THPT, rồi từ đó căn cứ vào các môn lựa chọn để xét tuyển đại học là một đòi hỏi vô lý.

Theo các chuyên gia, sau 5 năm triển khai CTGDPT 2018 phát hiện thấy có biểu hiện HS gặp quá tải trong học tập (cả về khối lượng và độ khó). Vẫn còn một số môn học có sự trùng lặp các kiến thức tạo ra năng lực trong các cấp học, đặc biệt là THCS và THPT mà điển hình là môn Lịch sử. Cũng có thể xảy ra trường hợp có những tổ hợp môn học có khối lượng quá tải (ví dụ tổ hợp Lý - Hóa - Sinh) nên rất ít HS đăng ký học. Như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước trong giai đoạn tới khi nhân lực STEM cần phải chiếm 35%.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá toàn bộ CTGDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở phân khúc THPT, trên mọi bình diện: mục tiêu, nội dung (khối lượng, trình độ và chất lượng), mức độ quá tải, mức độ định hướng nghề nghiệp, độ mềm dẻo, khả năng liên thông (ngang và dọc), khả năng phân luồng sau THCS,... Nếu phát hiện thấy những bất cập, cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay.

Cùng đó, cần bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của CT- GDPT 2018 cấp THPT để mở ra cơ hội cho các trường THPT chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn, tạo ra luồng THPT định hướng nghề nghiệp sau cấp THCS cho HS.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dang-ky-du-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-tai-sao-thi-sinh-lech-khoi-thi-xa-hoi-post534688.html
Zalo