Đăng kiểm viên bị án treo có thể được tiếp tục hành nghề

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 30/2023, sẽ không thu hồi chứng chỉ, cấm hành nghề với đăng kiểm viên bị án treo hoặc cải tạo không giam giữ; trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ cũng không bị đóng cửa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến kiến nghị xây dựng Nghị định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, Chính phủ đồng ý áp dụng trình tự thủ tục rút gọn trong xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 về kiểm định xe cơ giới nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đăng kiểm.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo, đề xuất bảo đảm đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định theo quy định, trình Chính phủ ban hành trước ngày 31/7/2024.

Liên quan đến nội dung này, chiều 2/7, trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, phòng chuyên môn của Cục đang khẩn trương xây dựng các nội dung sửa đổi theo đúng tiến độ, quy trình, đảm bảo kịp ban hành trước ngày 31/7.

Đăng kiểm viên bị án treo có thể tiếp tục được hành nghề. Ảnh: Hoàng Hà

Đăng kiểm viên bị án treo có thể tiếp tục được hành nghề. Ảnh: Hoàng Hà

Nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng "đứt gãy" hệ thống kiểm định khi nhiều đăng kiểm viên bị kết án dẫn đến thiếu hụt nhân lực và hàng loạt trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, tạm dừng hoạt động 3 tháng.

Nội dung 1: Không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề.

Nội dung 2: Không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đối với các vụ án bị khởi tố trước ngày 8/6/2023 (trước thời điểm ban hành Nghị định 30/2023).

“Ngoài ra, dự thảo nghị định mới cũng sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới (đơn vị đăng kiểm thay đổi chủ sở hữu, chuyển địa điểm…) cho phù hợp với thực tế; bổ sung các quy định nhằm chấn chỉnh hoạt động kiểm định, quy định trách nhiệm của các bên có liên quan”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay có 112 trung tâm đăng kiểm với hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố tại 42 địa phương.

Để bổ sung đăng kiểm viên, qua tuyển dụng, đào tạo, từ đầu năm 2023 Cục đã thực hiện 32 đợt đánh giá đăng kiểm viên (trước đây mỗi năm chỉ tổ chức được 4 - 5 đợt đánh giá). Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho một kỹ sư cơ khí trở thành đăng kiểm viên.

Một kỹ sư cơ khí (học đại học 5 năm) cần 1 năm tập huấn, thực tập nghiệp vụ kiểm định để được công nhận là đăng kiểm viên. Đăng kiểm viên có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm mới đủ điều kiện để công nhận là đăng kiểm viên bậc cao hoặc là lãnh đạo đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định.

"Năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới; năm 2024 đến đầu năm 2025 dự kiến có gần 350 đăng kiểm viên mới. Như vậy, đến hết năm 2026 hệ thống đăng kiểm xe cơ giới chưa thể bù đắp được số đăng kiểm viên đã bị khởi tố", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Trước thực trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo có 91 trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động, dẫn đến cả nước có ít nhất 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình.

Để kịp thời giải quyết vấn đề trên, cuối tháng 6, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dang-kiem-vien-bi-an-treo-co-the-duoc-tiep-tuc-hanh-nghe-2297585.html
Zalo