Đang diễn ra 'Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới'

Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 là nơi chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, giải pháp và những câu chuyện truyền cảm hứng về giảm phát thải gắn với kinh tế và sinh kế.

Đất khỏe, cây khỏe, thiên nhiên khỏe

Kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua, cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới ST25, không bao giờ quên kỷ niệm về lần diệt rầy nâu ở huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng cũ, nay là TP. Cần Thơ). Khi ấy, thuốc diệt rầy trong kho Nhà nước cạn kiệt, mùa vụ của bà con chỉ còn biết trông chờ vào ông trời.

Như một phép màu, dịch rầy nâu đang chích hút lúa đã bị nấm xanh ký sinh chết sạch. Ông trời đã cứu hơn 30 nghìn ha lúa, cứu sinh kế hàng vạn hộ dân một cách thần kỳ.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn một nhà khoa học, ông Cua hiểu, sự việc đó không phải ngẫu nhiên. Điều đó là do thiên nhiên những năm đầu thập niên 90 vẫn chưa bị tàn phá nên thiên địch của các giống sâu hại phục hồi nhanh, tựa như mẹ thiên nhiên vẫn còn nhiều sức sống để che chở mùa màng.

Hàng chục năm về sau, với những kinh nghiệm quan sát thiên nhiên, ông Cua càng thấm nhuần tư tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn dựa vào tự nhiên. Vị kỹ sư nông nghiệp cho rằng, đất khỏe, không gian trong lành, hài hòa thì cây mới khỏe mà không cần đến hóa chất độc hại.

Đến với Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Cua giới thiệu mô hình nông nghiệp điển hình là luân canh lúa – tôm tại bán đảo Cà Mau.

Với công cụ trong tay là giống gạo ngon nhất thế giới ST25, ông Cua phối hợp với các bên liên quan để nhân rộng mô hình trồng lúa mùa nước ngọt, nuôi tôm khi xâm nhập mặn, song song với khuyến khích sử dụng vi sinh vật, thiên địch tự nhiên để chống chịu sâu, bệnh hại cây lúa.

Mô hình đem lại kết quả ấn tượng, giúp gia tăng thu nhập người nông dân lên gấp đôi nhờ bán giá cao hơn gấp rưỡi, lại giảm tiêu hao đầu vào nhờ hạn chế 30% phân bón hóa học và 75% thuốc trừ sâu hóa học.

Đặc biệt, diện tích lúa – tôm dưới sự hỗ trợ từ đội ngũ của kỹ sư Cua đã đạt được các tiêu chí phát thải carbon thấp, tạo ra môi trường sống trong lành, bên cạnh tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, đem lại cơ hội gia tăng hơn nữa thu nhập cho bà con từ việc bán tín chỉ.

Mỗi cây rừng là một “cây ATM” xanh

Nằm xen giữa vùng thung lũng đá vôi và dãy núi thấp phía đông dãy Trường Sơn, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) chứa đựng tài nguyên rừng phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, sinh kế của bà con Cao Quảng không gắn với rừng, thay vào đó là trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, độc canh cây keo. Thanh niên thì lựa chọn ra ngoài làm cho các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động.

Giai đoạn 2002 – 2006, Lâm trường quốc doanh Cao Quảng được thành lập với mục tiêu khai thác gỗ nhưng không thể thực hiện do không đạt yêu cầu về trữ lượng. Việc chuyển sang hợp tác trồng rừng và sắn với người dân cũng không thành công do không nhận được sự đồng tình của người dân.

Năm 2006, Lâm trường Cao Quảng chính thức giải thể. Hàng nghìn ha rừng được giao lại cho người dân chăm sóc.

Tiếp đó, nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phát triển, đặc biệt là Dự án Tăng cường tính tự chủ của người nông dân thông qua canh tác nông-lâm nghiệp sinh thái (SODI) của Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) từ năm 2018, các hộ dân đã bắt đầu thực hiện việc xác định ranh giới rừng.

Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Nguyễn Quang Huy, Đại diện các chủ rừng ở Cao Quảng, cho biết, việc xác định ranh giới rừng khiến bà con cảm thấy mình đã thực sự trở thành chủ rừng, khơi dậy ý thức, trách nhiệm giữ rừng, làm giàu rừng.

Rừng là những bể chứa carbon tự nhiên, giúp lưu trữ, hấp thụ nhiều khí thải carbon, qua đó giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Từ năm 2023, các chủ rừng Cao Quảng đã được hưởng lợi từ dự án Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Bình quân, mỗi năm Cao Quảng nhận được gần 3 tỷ đồng, là khoản thu nhập tăng thêm tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích chủ rừng nâng cao trách nhiệm.

Với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, ông Huy kiến nghị xác định giá trị của rừng trong việc thực hiện cam kết Net Zero, bên cạnh việc đưa ra các chính sách đặc thù để chủ rừng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

Ngoài ra, cộng đồng chủ rừng Cao Quảng cũng mong muốn thị trường carbon sớm đi vào hoạt động để người dân có được cơ hội tài chính tương xứng với nỗ lực giữ rừng, bảo vệ rừng.

Net Zero từ xử lý chất thải

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải là hướng đi mới, vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra tiềm năng kinh tế nhờ đưa chất thải quay lại làm đầu vào cho sản xuất.

Không dừng lại ở đó, theo ông Lê Quang Linh, Chuyên gia dự án giảm phát thải, tài chính xanh,Công ty CP Khoa học và môi trường Giant Barb, các giải pháp tuần hoàn chất thải còn là giải pháp hữu hiệu cắt giảm khí thải, tạo ra tín chỉ carbon và hướng đến Net Zero.

Cụ thể, tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới,ông Linh đề xuất 4 lĩnh vực tiềm năng để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách theo hướng cắt giảm phát thải.

Thứ nhất, làm than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, bã mía, vỏ cà phê, vỏ dừa… Biochar là vật liệu xốp, giàu carbon, giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước, qua đó tăng năng suất cây trồng mà không phải phụ thuộc vào phân bón.

Ngoài ra, biochar cũng có khả năng hấp thụ kim loại nặng, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, bên cạnh việc giảm 10 – 12% lượng khí thải carbon do chuyển đổi thành năng lượng hoặc lưu trữ lâu dài trong đất.

Thứ hai, thu hồi khí sinh học (biogas) từ chất thải chăn nuôi. Theo ông Linh, chăn nuôi là ngành tạo ra lượng chất thải khổng lồ, với 61 triệu tấn phân 304 triệu m3 nước thải và 15 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Đặc biệt, chất thải từ chăn nuôi heo không xử lý đúng cách là khí metan, gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần CO2.

Tuy nhiên, nếu thu hồi khí metan thông qua hệ thống biogas, ngoài việc giảm đáng kể khí nhà kính, còn tạo ra nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng.

Thực tế, chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai, phát hành khoảng 928.000 tín chỉ carbon mỗi năm, với doanh thu từ tín chỉ carbon chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas.

Thứ ba, thu hồi khí từ bãi rác để phát điện. Tương tự như chất thải chăn nuôi, chất thải rắn sinh hoạt cũng thải ra rất nhiều khí metan, do đó hoàn toàn có thể sử dụng giải pháp thu hồi metan làm nhiên liệu tương tự như biogas.

Thứ tư, đốt rác phát điện. Đây là công nghệ phổ biến ở các nước phát triển, có khả năng giảm thể tích và khối lượng rác thải từ 90 - 95%, qua đó giảm khí metan phát sinh.

Theo ông Linh, các nhà máy đốt rác vừa xử lý chất thải rắn, vừa tạo ra năng lượng giúp lưới điện quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Linh, Việt Nam có thể tạo ra 200MW điện từ 4.000 tấn rác thải mỗi ngày.

Tải tài liệu Diễn đàn tại đây.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dang-dien-ra-dien-dan-net-zero-viet-nam-2025-thi-truong-carbon-trong-ky-nguyen-moi-d41212.html
Zalo