Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại

Chặng đường 10 năm kể từ khi được UNESCO ghi danh, dân ca Ví, Giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ, với những kết quả tích cực trong công tác truyền dạy di sản cho cộng đồng, mở rộng mạng lưới hoạt động của các câu lạc bộ.

Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù. Ảnh tư liệu: Hoàng Ngà/TTXVN

Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù. Ảnh tư liệu: Hoàng Ngà/TTXVN

Dân ca Ví, Giặm đã vượt ra khỏi không gian của vùng văn hóa xứ Nghệ để đến với cả nước và vượt biên giới quốc gia, lan tỏa ra thế giới.

Đam mê và trách nhiệm với di sản

Đến Nghệ An vào những ngày địa phương đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, du khách được sống lại trong không gian văn hóa miền Trung, với những điệu Ví, Giặm gần gũi, thân thuộc.

Nghệ nhân Cao Thị Tứ, Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh làng Phan cho biết, yêu những làn điệu dân ca Ví, Giặm nên bà thường xuyên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia biểu diễn, giao lưu với các nghệ nhân ở nhiều nơi. "Tham gia câu lạc bộ rất vui, nhưng cũng mất nhiều thời gian, phải hy sinh nhiều thứ để có thể tham gia biểu diễn giao lưu. Vì yêu những làn điệu dân ca Ví, Giặm, nên tôi vẫn sinh hoạt thường xuyên ở câu lạc bộ, nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ sau, để Ví, Giặm sống mãi trong lòng người dân xứ Nghệ", nghệ nhân Cao Thị Tứ chia sẻ.

Nghệ nhân Ngô Thị Huyền, Câu lạc bộ Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh làng Phan xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết, khi bà còn nhỏ, mỗi khi ông bà, bố mẹ cùng các cụ trong làng tổ chức hát Ví, Giặm, bà vẫn thường đi theo để xem và những làn điệu hát giao duyên, hát ru, giận thương… trong dân ca Ví, Giặm đã trở nên vô cùng quen thuộc.

Nghệ nhân Ngô Thị Huyền kể, ngày đó người dân trong làng thường tranh thủ những lúc nông nhàn tập trung sinh hoạt và hát Ví, Giặm. Khoảng chục năm trở lại đây, câu lạc bộ được thành lập và thu hút nhiều người trong làng tham gia, từ các cụ cao tuổi trong làng cho đến thiếu nhi. Với nghệ nhân Ngô Thị Huyền, trừ những lúc bận việc gia đình, còn lại thời gian rảnh, hễ có cuộc giao lưu, biểu diễn ở đâu, bà lại hăng hái tham gia. Bà cũng thường xuyên động viên con cháu trong nhà cùng tham gia câu lạc bộ, để thêm hiểu, thêm yêu di sản, từ đó có ý thức gìn giữ di sản, để di sản cha ông không bị mai một.

"Tôi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ vừa để tạo niềm vui cho mình, vừa góp phần gìn giữ di sản cha ông. Tôi sẽ còn tham gia câu lạc bộ cho đến khi không đi, không hát được mới thôi", nghệ nhân Ngô Thị Huyền vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết, Câu lạc bộ chủ yếu hoạt động bằng đam mê và trách nhiệm với di sản. Sau khi được UNESCO vinh danh, dân ca Ví, Giặm được quan tâm hơn rất nhiều, người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, bảo vệ di sản. Mỗi năm câu lạc bộ được hỗ trợ một khoản kinh phí là 5 triệu đồng, tuy nhiên, số tiền này không đáp ứng được chi phí hoạt động của câu lạc bộ cho cả năm. Vì thế, câu lạc bộ đã vận động xã hội hóa, kêu gọi con em địa phương ủng hộ thêm kinh phí để duy trì sinh hoạt, tham gia biểu diễn và nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ kế cận.

Ông Nguyễn Trọng Tâm chia sẻ, Ví, Giặm được sinh ra trong môi trường lao động, ví dụ bà con đi cấy dưới ruộng, sản sinh ra phường cấy, trèo non sinh ra phường non… nhưng ngày nay, nhiều không gian diễn xướng không còn. Gần đây, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An có chương trình tái tạo không gian diễn xướng xưa tại phố đi bộ ở thành phố Vinh, các nghệ nhân được sống lại một phần không gian diễn xướng đó đã góp phần kích thích niềm đam mê sáng tạo, đồng thời đưa Ví, Giặm vào môi trường không gian diễn xướng mới, để loại hình nghệ thuật này sống mãi trong cộng đồng.

Tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ, mỗi câu dân ca Ví, Giặm đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua bao đời nay, dân ca Ví, Giặm đã là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của người dân xứ Nghệ, lắng đọng, chắt chiu những tinh túy của hồn quê mộc mạc, dung dị mà trữ tình, đầy gợi nhớ, gợi thương.

Từ khi dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014) đến nay, Ví, Giặm đã vượt khỏi phạm vi không gian một vùng văn hóa để trở thành một di sản được cả thế giới biết đến và công nhận, đánh một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An) cho biết, 10 năm sau khi dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, Nghệ An đã triển khai một số nhiệm vụ bảo tồn. Năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành đề án Bảo vệ phát huy giá trị di sản năm 2021-2025, hiện nay tỉnh đang soạn thảo Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Chính phủ phê duyệt.

Theo bà Phan Thị Anh, hiện nay, một số địa phương đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành liên quan thực hiện công tác bảo tồn trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện của di sản như: thực hiện truyền dạy, phát triển hệ thống câu lạc bộ, tạo điều kiện cho hoạt động của các nghệ nhân, vinh danh hỗ trợ các nghệ nhân, cũng như thực hiện tuyên truyền, quảng bá di sản dân ca Ví, Giặm và thực hiện sân khấu hóa với loại hình này.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Anh cũng cho biết, đặc thù của dân ca Ví, Giặm hình thành, phát triển trong môi trường sinh hoạt đời sống lao động hàng ngày, so với thời điểm khởi phát của dân ca cho đến giai đoạn hiện nay, môi trường và không gian diễn xướng xưa cơ bản không còn, chúng chỉ được tái hiện trong các liên hoan, các hội diễn hoặc chuyển thể sân khấu hóa. Tỉnh Nghệ An dự kiến thời gian tới, sẽ tái hiện một phần không gian diễn xướng truyền thống, đồng thời phát triển một phần Ví, Giặm theo hình thức mới cho phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng giai đoạn…

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo tồn di sản hiện nay, bà Phan Thị Anh cho rằng, dân ca Ví, Giặm là loại hình văn hóa dân gian, các nghệ nhân nắm giữ di sản ngày càng lớn tuổi, sức khỏe kém, khả năng truyền dạy kém đi, nếu không nhanh chóng, kịp thời sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ những làn điệu, lời hát cổ của loại hình di sản này có nguy cơ mai một. Thêm vào đó, hiện nay, thế hệ trẻ cũng có một số người không quan tâm, nên sự kế thừa chưa nhiều, dẫn đến khó khăn trong công tác truyền dạy, nâng cao nhận thức của người trẻ với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Có thể thấy, trong hành trình 10 năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, chính quyền, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung tay, góp phần cho di sản của quê hương ngày càng lan tỏa, cả trong nước và quốc tế. Nhiều cơ chế, chính sách quan trọng được ban hành và triển khai thực hiện làm cơ sở cho việc bảo vệ, phát huy giá trị, khẳng định được vị thế và sức lan tỏa của Ví, Giặm trong cộng đồng.

Để dân ca Ví, Giặm xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động bảo vệ, phát huy giá trị dân ca, tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản. Tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc hiệu du lịch địa phương.

Phương Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-trong-doi-song-duong-dai-20241203142212706.htm
Zalo