Đàn bò tót lai quý hiếm ở Vườn quốc gia Núi Chúa – Phước Bình cần chiến lược bảo tồn và phát triển
Những năm qua, đàn bò tót lai quý hiếm ở Vườn quốc gia Phước Bình - nay là Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình (tỉnh Khánh Hòa) được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về mối 'giao duyên' giữa bò tót rừng quý hiếm với bò nhà.

Bò tót lai ở Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình to lớn hơn hẳn bò nhà thông thường. Ảnh: Duy Ngọc
Để bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là nguồn gene quý hiếm của đàn bò tót lai quý hiềm trên, Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình (gọi tắt là Vườn) mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương tiếp tục bảo tồn và phát triển nguồn gene bò tót lai trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, chủ nhiệm đề tài "Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực" cho biết, từ năm 2009 đến 2015, một con bò tót rừng (giống đực) cao hơn 1,7m, thân dài trên 2m, nặng khoảng 1.000kg trốn khỏi vùng đệm của vườn để giao phối với nhiều con bò cái nhà của người dân và sinh ra 10 con bò tót lai F1.
Cuối năm 2015, con bò tót rừng chết do già yếu. Sau đó, đến năm 2020, toàn bộ 10 con bò tót lai F1 (5 con cái, 5 con đực) và 1 con bò tót lai F2 được đưa về vườn nuôi dưỡng, nghiên cứu và theo dõi khả năng sinh sản.
Trong quá trình được nuôi dưỡng, đàn bò tót lai F1 có sự giao phối lẫn nhau. Tuy nhiên chưa thể thụ tinh được bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là những con bò tót lai này có mối quan hệ cận huyết thống với nhau.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, sau nhiều năm chăm sóc, nuôi dưỡng, đàn bò tót lai hiện khỏe mạnh và sung sức. Cuối tháng 2/2025, đàn bò tót lai F1 có nhiều tín hiệu khả quan về khả năng sinh sản khi một số con có biểu hiện động dục.
Đặc biệt, một bò tót lai F1 (được đánh ký hiệu là D2) "lẻn" khỏi vườn, băng suối Gia Nhông tìm đến đàn bò cái nhà của người dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận trước đây) - nay là xã Bác Ái Tây, tỉnh Khánh Hòa để giao phối.

Đàn bò tót lai đang được nuôi dưỡng tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình. Ảnh: Duy Ngọc
Theo ông Tuấn, việc bò tót lai D2 giao phối với bò cái nhà là tín hiệu vui trong công tác quản lý, bảo tồn và duy trì nguồn gene quý hiếm của bò tót.
Hiện đàn bò tót lai F1 được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên bán hoang dã nên phát triển rất tốt. Con bò tót lai F1 có trọng lượng nặng nhất đạt gần 500kg, nặng gấp hai lần so với bò nhà cùng độ tuổi. Càng lớn, đàn bò tót lai càng bộc lộ nhiều nét giống bò tót tự nhiên như sừng cong, dài đều 2 bên, không có nọng phía dưới cổ (trong khi bò nhà có nọng ở cổ).
Ông Tuấn chia sẻ: "Nhận thấy tín hiệu khả quan trên, Vườn đã làm báo cáo, đề xuất các phương án duy trì nguồn gene cho đàn bò tót lai theo hướng tách đàn để lai giữa bò tót lai đực với bò cái nhà và giữa bò đực nhà với bò tót lai cái để cho ra các thế hệ con lai tiếp theo mang dòng máu bò tót".

Bộ xương và tiêu bản của con bò tót rừng quý hiếm được trưng bày tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình. Ảnh: Duy Ngọc
Ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, đề tài "Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực" thực hiện đến cuối năm 2025 sẽ kết thúc. Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình cũng có kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương, kinh phí xây dựng kế hoạch hoặc đề án nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gene bò tót lai tại Vườn sau năm 2025. Đồng thời tiếp tục bảo vệ, chăm sóc đàn bò tót lai để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ du lịch, giáo dục môi trường rừng...
Hiện nay tiêu bản và bộ xương của bò tót rừng giống đực quý hiếm đang được Ban Quan lý Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình giữ gìn cẩn thận. Hàng ngày đều có nhân viên thường xuyên vệ sinh, lau chùi để bộ xương bò tót sáng bóng. "Đây được xem là bộ xương bò tót hiếm hoi ở Nam Trung Bộ nên chúng tôi giữ thật tốt để phục vụ cho việc nghiên cứu trong tương lai", ông Tuấn cho biết.
Theo thông tin từ Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, qua đặt bẫy ảnh tại khu từ tháng 10/2023 đến nay, đã phát hiện dấu chân, dấu phân thải, bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của bò tót tại suối Gia Nhông và suối Đá Đen.
Cụ thể, tại suối Gia Nhông ghi nhận có 2 đàn bò tót, đàn thứ nhất ước lượng số lượng từ 4 - 6 con; đàn thứ hai có từ 3 đến 4 con bò tót trưởng thành. Còn tại suối Đá Đen ghi nhận đàn bò tót 6 - 7 con.
Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, Sách đỏ Việt Nam xếp bò tót vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB (đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ rất cao). Danh lục đỏ IUCN xếp bò tót vào nhóm sắp nguy cấp (VU).