Đảm bảo hàng hóa thiết yếu ứng phó với bão số 3 (bão WIPHA)

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão WIPHA), Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có Văn bản số 1819/QLTT-TTTN ngày 21/7/2025 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm ổn định thị trường và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa

Các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa

Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 5380/CĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (bão WIPHA), Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước có văn bản đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lắk chủ động xây dựng và kích hoạt phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa của người dân trong mọi tình huống.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, vật liệu xây dựng và xăng dầu.

Trong trường hợp xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, lực lượng chức năng phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi. Đây là nhóm hành vi có nguy cơ xuất hiện cao trong bối cảnh khẩn cấp, khi người dân có nhu cầu tích trữ hàng hóa và giá cả thị trường có thể biến động mạnh.

Đồng thời, các Sở Công Thương cũng cần thiết lập cơ chế phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương để tăng cường kiểm tra liên ngành, bảo đảm thực thi pháp luật thương mại nghiêm minh.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh thiên tai có thể gây chia cắt địa bàn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm của người dân.

Các Sở Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kế hoạch cần xác định rõ danh mục hàng hóa thiết yếu, số lượng cần thiết, phương án bảo quản, vận chuyển và phân phối, bảo đảm khả năng cung ứng linh hoạt trong tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, Bộ Công Thương khuyến khích các địa phương tăng cường phối hợp với doanh nghiệp thương mại lớn, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và các đơn vị đã đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống phân phối hiện có. Đồng thời, chính quyền cấp xã, phường cũng được huy động để hỗ trợ vận hành mạng lưới cung ứng tại cơ sở, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt cục bộ khi có sự cố xảy ra.

Các Sở Công Thương thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình cung cầu, giá cả và hoạt động phân phối trên địa bàn. Dữ liệu này là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương và các cơ quan Trung ương kịp thời nắm bắt tình hình, có phương án chỉ đạo, điều hành phù hợp, nhất là trong các tình huống thiên tai diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay.

Từ đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó có nội dung chuẩn bị vật tư, lương thực, thực phẩm, năng lượng và nhân lực tại chỗ nhằm giảm tối đa thiệt hại và đảm bảo an sinh xã hội.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dam-bao-hang-hoa-thiet-yeu-ung-pho-voi-bao-so-3-bao-wipha-425519.html
Zalo