Đại sứ Karl Van Den Bossche thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại TP. Hồ Chí Minh
Nhân chuyến công tác tại hai tỉnh phía Nam (Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 22-24/7, ông Karl Van Den Bossche, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh (VAVA HCM) đã đến thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh).

Đại sứ Karl Van Den Bossche cùng Thiếu tướng, PGS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch VAVA HCM tặng hoa và quà cho đại diện làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ.
Tham dự đoàn có Thiếu tướng, PGS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn (Chủ tịch VAVA HCM), bà Trần Tố Nga, (nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng) - người từng dành cả cuộc đời để để đấu tranh với những công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam những năm 1961-1971. Bà Trần Tố Nga (thành viên trong đoàn) là biểu tượng sáng ngời của cuộc đấu tranh vì công lý cho nạn nhân ảnh hưởng chất độc dioxin Việt Nam.
Theo Đại sứ Karl Van Den Bossche, Bỉ là một quốc gia nhỏ, chịu đựng chiến tranh hóa học đầu tiên trên thế giới trong Thế chiến thứ nhất, nên rất hiểu nỗi đau do chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hóa học để lại. Bỉ cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới Quốc hội thông qua Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chuyến công tác và những hoạt động của ông Karl Van Den Bossche lần này cũng chính là quá trình để hiện thực hóa Nghị quyết này của Bỉ.

Đại sứ Karl Van Den Bossche trò chuyện cùng một nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Đại sứ Karl Van Den Bossche mong muốn được cùng Việt Nam khắc phục những hậu quả của chất độc hóa học (chất da cam/dioxin) mà môi trường và người dân Việt Nam từng phải chịu đựng trong nhiều năm qua mặc dù chiến tranh đã qua hơn 50 năm, nhưng nỗi đau còn đó.
Ông cho biết: “Đến với nơi đây, tôi rất xúc động, mỗi chuyến thăm tới mỗi gia đình nạn nhân là một hoàn cảnh khác nhau, cảm xúc khác nhau, nhưng tựu chung lại là sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, điều này cũng chính là động lực thúc đẩy tôi mong muốn làm được 'một điều gì đó' cho họ, được hợp tác với Việt Nam để tẩy hết những chất độc còn nằm lại trong đất, trong môi trường nơi từng bị phun rải chất độc này, góp phần làm dịu 'nỗi đau da cam' mà những người dân Việt Nam đã, đang và sẽ còn phải chịu đựng”.
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, các lực lượng Mỹ trong Chiến dịch Ranch Hand đã rải xuống miền Nam Việt Nam gần 80 triệu lít chất diệt cỏ trong đó 61% là chất da cam có chứa ít nhất 366kg dioxin là chất độc hại nhất mà con người biết được.

Đại sứ Karl Van Den Bossche và thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng anh Nguyễn Đức - người được tách rời trong ca phẫu thuật song sinh đầu tiên của Việt Nam (năm 1988).
Từ sau Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ nhất năm 2006, công chúng đã có nhận thức nhiều hơn về hiểm họa chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường. 50 năm đã trôi qua kể từ ngày chất Da cam được sử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam, đã có nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Bỉ luôn chung tay giúp đỡ, cải thiện cuộc sống và đồng hành cùng những nạn nhân chất độc da cam/ dioxin qua những dự án thực tế và có thể thực hiện được tại Việt Nam.
Hoạt động thăm hỏi, tri ân của Đại sứ Karl Van Den Bossche với các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh lần này đã góp thêm một nghĩa cử đẹp thể hiện tình hữu nghị Việt Nam- Bỉ.