'Đại phẫu' cơ chế quản lý
Vụ việc một số lãnh đạo, cán bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bị khởi tố vì nhận hối lộ để 'hợp thức hóa' hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, mà còn phơi bày một mảng tối kéo dài trong công tác quản lý Nhà nước.
Hành vi của các đối tượng là minh chứng điển hình cho sự tha hóa quyền lực, biểu hiện rõ rệt của suy thoái đạo đức công vụ; cảnh báo về căn bệnh “xin - cho”, “mua đường công bố” đã ăn sâu bám rễ trong bộ máy quản lý.
Mới đây, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Đưa, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP), các công ty liên quan ở Hà Nội và các tỉnh, thành. Cùng với đó, C01 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 18 bị can và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 25 địa điểm. Con số mà cơ quan điều tra bước đầu xác định: từ 2015 đến khi bị phanh phui, các lãnh đạo, cán bộ ở Cục ATTP nhận hối lộ hơn 75 tỷ đồng để cấp khống trên 10.000 “giấy thông hành” cho các sản phẩm TPCN khiến nhiều người phải giật mình!
Vốn dĩ, TPCN là lĩnh vực đặc thù, nằm ở ranh giới giữa thực phẩm và thuốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến và nhiều người tiêu dùng tin dùng như thần dược, thì đòi hỏi việc quản lý, kiểm định, cấp phép càng phải nghiêm ngặt. Thế nhưng, khi cơ chế cấp phép bị buông lỏng, bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích nhóm thì những sản phẩm kém chất lượng, nguy hại đến sức khỏe con người ngang nhiên “qua cửa” cơ quan chức năng len lỏi vào thị trường.
Thật xót xa khi chính những người nắm quyền thẩm định, phê duyệt lại là người tiếp tay cho doanh nghiệp lách luật, “chạy giấy phép” để tư lợi. Họ sẵn sàng bán rẻ chức trách của mình để đổi lấy những phong bì, cố tình hợp thức hóa hồ sơ thiếu tiêu chuẩn. Đây không còn là câu chuyện riêng của một vài “con sâu”, mà là biểu hiện của một thứ văn hóa hành chính méo mó, nơi mà thủ tục pháp lý trở thành món hàng trao đổi, nơi vì đồng tiền mà bất chấp sự an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân… Sự việc khiến niềm tin xã hội bị tổn thương, đe dọa nghiêm trọng đến nguyên tắc quản trị công bằng và minh bạch mà ở một số nơi, quyền lực bị thao túng bởi những kẻ vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng đánh đổi đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp và thậm chí là pháp luật. Sự suy thoái này, nếu không được xử lý đến nơi đến chốn, sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến tình trạng “chạy chọt” ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát.
Đáng nói, tình trạng “xin - cho”, “bôi trơn thủ tục” tồn tại dai dẳng ở không ít cơ quan, ban ngành: từ đất đai, xây dựng đến giáo dục, y tế... Vì vậy, vụ án xảy ra ở Cục ATTP cần được xử lý nghiêm minh. Cùng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng phải xem xét lại toàn bộ quy trình quản lý, giám sát, phê duyệt sản phẩm trong lĩnh vực này. Rà soát, bịt kín các kẽ hở pháp lý, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ để số hóa và minh bạch hóa quy trình cấp phép. Khi mọi bước đi đều được số hóa, lưu vết, công khai, thì cơ hội cho tham nhũng vặt, “giao dịch ngầm” sẽ giảm đi rõ rệt.
Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc răn đe bằng luật pháp thôi là chưa đủ. Phòng chống tham nhũng phải bắt đầu từ việc xây dựng và khôi phục lại văn hóa đạo đức công vụ, một nền công vụ liêm chính, có trách nhiệm, lấy phục vụ người dân làm trung tâm… Dù dưới hình thức nào, hành vi nhận hối lộ để “chạy giấy phép” là đi ngược lại với sứ mệnh của cơ quan quản lý Nhà nước. Nó không chỉ làm suy yếu kỷ cương phép nước mà còn gieo rắc hiểm họa lâu dài đối với xã hội.
Với việc “mạnh tay” xử lý vụ án xảy ra ở Cục ATTP chính là động thái thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh và bộ máy minh bạch, công bằng. Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ, cũng là cơ hội để làm trong sạch lại hệ thống, để thực hiện cuộc “đại phẫu” cơ chế quản lý vốn còn nhiều bất cập. Bởi, nếu không xử lý dứt điểm, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở một số cán bộ bị khởi tố mà còn là niềm tin xã hội tiếp tục bị bào mòn, điều nguy hiểm hơn bất kỳ hình thức tham nhũng vật chất nào.