Đãi ngộ cao, ngân hàng vẫn khó tuyển dụng nhân sự công nghệ giỏi
So với mặt bằng chung trên thị trường, ngành ngân hàng có mức lương, thưởng khá hậu hĩnh, song mức độ cạnh tranh thu hút nhân sự giỏi công nghệ và giữ chân nhân tài giữa các nhà băng ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, có ngân hàng đưa ra mức lương hấp dẫn lên đến 40.000 USD, nhưng cũng không dễ tuyển được người.
Tại Diễn đàn “Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng khoa học công nghệ” tổ chức ngày 16/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về công nghệ thông tin như hiện nay”.
"Đỏ mắt" tìm người giỏi công nghệ
Theo thống kê của NHNN, hiện nay có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính. Ngành ngân hàng đã dịch chuyển từ việc đa số nhân lực tiếp xúc với khách hàng, nhưng hiện nay không còn tình trạng này nữa.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320 nghìn nhân lực về công nghệ thì đến 2026 là 750 nghìn. Việc nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành ngân hàng là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Để thích ứng với sự chuyển dịch này, thời gian qua, các ngân hàng thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhân sự. Chẳng hạn, trong năm 2024, LPBank đã tinh giản từ 18 khối xuống còn 8 khối, trong đó khối công nghệ quy tụ nhiều khối khác vào, như khối dữ liệu, chuyển đổi số, ngân hàng số…
Tuy nhiên, ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ thông tin LPBank, chia sẻ thực trạng tuyển dụng nhân sự công nghệ cao trong ngành ngân hàng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kỹ sư ngành công nghệ ra trường rất nhiều, nhưng tuyển dụng được thì rất khó. Chưa kể việc thiếu nguồn lực khiến sức ép và sự cạnh tranh trong tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ngày càng gay gắt hơn.

Chưa bao giờ ngành ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay.
Thách thức lớn hơn, theo ông Đức, là giữ chân con người, đặc biệt là những lãnh đạo cao cấp càng cực kỳ khó. "Việc có giữ được các nhân tài hay không là một vấn đề khác, vì người tài không dễ dùng. Để sử dụng được những người này phải có cơ chế dân chủ, trong khi sức ép công việc lại phải ra sản phẩm thật nhanh. Mà nhanh thì phải sai, nhiều khi sai khó sửa", ông Đức chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp hàng đầu về tuyển dụng, bà Ngô Lan, giám đốc Navigos Search phía Bắc cho biết có những ngân hàng cần một lượng lớn nhân lực công nghệ để hoạt động, họ đã phải tuyển dụng từ nước ngoài, thu hút nhân tài và chuyên gia từ nước ngoài về Việt Nam.
Đặc biệt, nguồn cung mảng data, AI... rất khan hiếm. “Khi nhận tuyển những chuyên gia, ứng viên từ nước ngoài về Việt Nam, chúng tôi nêu mức lương cho vị trí chuyên gia, giám đốc trung tâm khoảng từ 10.000 - 30.000, 40.000 USD, tương đương khoảng 300 đến 700, 800 triệu đồng. Mặc dù đưa ra mức lương hấp dẫn nhưng để tuyển được đúng người thì vẫn còn rất khó.
Chúng tôi từng gửi 100 hồ sơ nhưng hầu như không có ứng viên nào đáp ứng được tiêu chí, khách hàng đưa ra tiêu chí rất cao mà chỉ có 1 ứng viên từ Meta có thể đáp ứng được”, bà Lan cho hay.
Tăng cung nhân lực công nghệ ngân hàng từ đào tạo
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng thừa nhận thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin.
Hiện nay, các trường đào tạo chuyên công nghệ như Bách khoa, Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng cũng đã thay đổi. Không chỉ đào tạo, cung cấp nhân lực với thế hệ sinh viên hiện tại, mà còn bồi dưỡng, đào tạo lại cho các cán bộ đang công tác tại ngành ngân hàng để góp phần vào chương trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, để có nguồn cung nhân nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng, bà Hoàng Anh cho rằng cần ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, theo vị trí công tác. Tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước – Các cơ sở đào tạo – Các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ. Xây dựng được bộ tiêu chuẩn về đào tạo số cho ngành ngân hàng làm sao gắn kết lý thuyết với thực tiễn, sinh viên được tham gia nhiều hơn vào thực tiễn, có thêm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng cho biết cũng đã chủ động tìm phương án để giải quyết bài toán nhân lực công nghệ cao cho ngân hàng. Ông Phạm Hà Duy, Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số & Dữ liệu (ABBank), chia sẻ nhà tuyển dụng thường muốn tuyển người có kinh nghiệm 5 năm, 10 năm làm ngân hàng, nhưng giờ cần nhân sự phải biết công nghệ để thay vì dùng 10 người thì chỉ cần 5 người.
“Trước đây, chúng ta coi công nghệ là một nhóm độc lập thì nay đã tích hợp, và những vị trí trước đây chưa hề có nay đã sinh ra. Ngân hàng giờ không chỉ tuyển người đến từ Học viện Ngân hàng mà tuyển cả những trường khác, có kỹ năng, thiên hướng nghề nghiệp khác”, ông Duy nói.
Ông Duy cho biết: “Cá nhân tôi những năm qua phỏng vấn tuyển dụng hàng nghìn ứng viên không chỉ đến từ Học viện Ngân hàng hay các ngân hàng khác. Có nhiều ứng viên nói rất trôi chảy về định hướng, đam mê của các bạn, nhưng vì sao chúng tôi không trao cơ hội cho họ? Theo cách làm mới sẽ có suy nghĩ khác hơn, trải nghiệm khác hơn”.
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng thừa nhận, công nghệ số, kỹ thuật số là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng, chúng ta không quay lại thời đại xử lý mọi thứ trên giấy tờ, nhưng AI chưa thể thay thế con người trong 10 năm tới.
Ông Hiếu phân tích, có hai phân khúc bán lẻ và bán buôn. Đối với cho vay doanh nghiệp, sự can thiệp của con người vẫn chiếm đến ít nhất 40% trong các quy trình. Từ thu thập, thẩm định, thu hồi nợ, kiểm soát rủi ro và thanh toán. “Trong thời đại kỹ thuật số, rủi ro ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng đối diện với rủi ro rất lớn. Chúng ta cần yếu tố con người trong đó để kiểm soát, thẩm định rủi ro”, ông nói.