Đại học Ngoại thương được vinh danh tại Tổ chức Thương mại thế giới
Tại sự kiện trao 'Giải thưởng quốc tế về bình đẳng giới trong thương mại,' Trường Đại học Ngoại thương của Việt Nam đã nhận được giải thưởng 'vinh danh đặc biệt' của WTO.

Tham tán Công sứ Phạm Quang Huy (ngoài cùng bên trái) và bà Trịnh Thu Hương - Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Ngoại thương, nhận giải thưởng từ ban tổ chức. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Ngày 2/7, Đại sứ các nước Anh, Cape Verde và El Salvador - đồng Chủ tịch nhóm công tác không chính thức về Thương mại và Giới, đã tổ chức trao “Giải thưởng quốc tế về bình đẳng giới trong thương mại” tại trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Tại sự kiện, trường Đại học Ngoại thương của Việt Nam đã nhận được giải thưởng “vinh danh đặc biệt” của WTO.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trịnh Thu Hương - Giám đốc chương trình WTO Chairs thuộc Đại học Ngoại thương, đã gửi lời cám ơn tới sự hỗ trợ của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng như của WTO.
Bà chia sẻ: “Cho đến nay, chương trình của chúng tôi đã thiết lập được mạng lưới đối tác rộng lớn và mạnh mẽ, bao gồm các cơ quan trung ương như Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, các hiệp hội ngành trong nước, cũng như các tổ chức quốc tế, trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Sự đa dạng này củng cố bản chất liên ngành và kết nối toàn cầu của chương trình."
"Một trong những ưu tiên trong suốt quá trình triển khai chương trình là thúc đẩy bình đẳng giới trong thương mại. Quan điểm về giới đã được tích hợp một cách có hệ thống vào tất cả trụ cột của chương trình. Ngoài việc đưa vấn đề giới vào nội dung học thuật, chương trình còn hướng đến mục tiêu tạo ra các cơ hội thực sự và toàn diện cho phụ nữ trong nghiên cứu, giáo dục và hoạch định chính sách thương mại. Đáng chú ý, 80% nhóm chương trình là phụ nữ, bao gồm chủ tịch, đồng chủ tịch và các trưởng nhóm. Những người phụ nữ này không chỉ là những người tổ chức chính mà còn là những nhà lãnh đạo chiến lược, đóng vai trò là hình mẫu cho các nữ sinh viên trẻ và các học giả. Chương trình cũng cung cấp chương trình đào tạo linh hoạt, dễ tiếp cận, giúp phụ nữ, bao gồm cả những người ở vùng sâu vùng xa hoặc chăm sóc trẻ nhỏ, tiếp cận kiến thức về thương mại và tăng cường năng lực,” bà Trịnh Thu Hương cho biết.
Dựa trên bộ đánh giá với 8 tiêu chí, giải thưởng ghi nhận các chính sách về giới tốt nhất và có tác động nhất tới chính sách thương mại quốc gia có trách nhiệm, chương trình xuất khẩu hoặc dự án hỗ trợ thương mại được các thành viên cũng như quan sát viên của WTO thông qua và thực hiện nhằm hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ vào thương mại và trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Nhân sự kiện, Tham tán Công sứ Phạm Quang Huy - Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, khẳng định giải thưởng này là nguồn động viên to lớn không chỉ đối với trường Đại học Ngoại thương mà còn đối với Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục thúc đẩy việc hoạch định chính sách và thực hiện chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là trao quyền cho phụ nữ bền vững, bao gồm trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Ông nhấn mạnh: “Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cam kết hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Nhóm công tác không chính thức của WTO về Thương mại và Giới để thúc đẩy bình đẳng giới trong thương mại. Chúng tôi hy vọng sẽ chia sẻ với các bạn, trong phạm vi Nhóm công tác không chính thức của WTO về Thương mại và Giới, các hình mẫu tốt khác của Việt Nam”./.