Đại học Huế cần tập trung đưa NQ45 và NQ57 đi vào cuộc sống

HNN.VN - Sáng 22/7, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương do ông Huỳnh Thành Đạt, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Huế (ĐHH) về việc khảo sát, đánh giá thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN), môi trường và công tác tri thức.

Buổi làm việc giữa đoàn công tác với ĐHH

Buổi làm việc giữa đoàn công tác với ĐHH

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách ĐHH thông tin, ĐHH hiện có 3.570 viên chức và người lao động; trong đó có 1.878 giảng viên cơ hữu, 834 tiến sĩ, 35 bác sĩ chuyên khoa II, 17 giáo sư, 209 phó giáo sư, 228 giảng viên cao cấp, 527 giảng viên chính. Trong giai đoạn 2020-2025, số tiến sĩ tăng gần 18% (148 tiến sĩ), số giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng 4,6%.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp có những chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2020-2025, ĐHH có 8 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, 28 đề tài thuộc quỹ NAFOSTED; 130 đề tài cấp bộ và 34 đề tài KHCN cấp tỉnh (nay thành phố). Trung bình mỗi năm có 116 đề tài KHCN cấp ĐHH. ĐHH hiện có 52 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận.

Số lượng các công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (danh mục WoS/Scopus) có xu hướng tăng. ĐHH hiện có 15-20 sản phẩm KHCN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 10-15 công nghệ/sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 500 triệu đồng trở lên; 7 văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 4 nhãn hiệu hàng hóa và 7 bản quyền tác giả. ĐHH có 37 hợp đồng chuyển giao công nghệ/dịch vụ, gần 5,5 tỷ đồng. Trong thời gian qua, nhiều nhà khoa học của ĐHH phấn đấu, nỗ lực giành nhiều giải thưởng cao quý về KHCN cấp quốc gia và quốc tế.

ĐHH không ngừng đổi mới, cải tiến công tác tuyển sinh đại học và sau đại học. Tỷ lệ tuyển sinh đại học hệ chính quy tăng ổn định qua các năm. Công tác tuyển sinh sau đại học cũng đạt kết quả tích cực với số lượng học viên và nghiên cứu sinh gia tăng đều. ĐHH hiện có có 142 ngành đào tạo trình độ đại học, 88 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 53 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Tổng quy mô đào tạo hơn 60 ngàn sinh viên, 5.000 học viên cao học và 600 nghiên cứu sinh.

Các chương trình đào tạo mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ dược phẩm và quản trị giáo dục được triển khai, đồng thời các ngành liên ngành có tính ứng dụng cao cũng được chú trọng phát triển. Các chương trình đào tạo sau đại học đã được cập nhật theo chuẩn quốc tế, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại và tích hợp các học phần chuyên sâu về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Từ năm 2023 đến nay, có hơn 50 nghiên cứu sinh và học viên cao học đã nhận được học bổng nghiên cứu toàn phần từ các tổ chức quốc tế. Những chương trình này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo cơ hội để học viên sau đại học tiếp cận môi trường học thuật tiên tiến…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Đạt, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương lớn, đặc biệt vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ trí thức. Trong đó, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (ĐMST&CĐS). Nội dung của hai nghị quyết này được coi là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc cụ thể hóa tinh thần hai nghị quyết này tại các đại học, trường đại học - nơi hội tụ của KHCN, trí thức và ĐMST hàng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh ĐHH đang triển khai đề án phát triển thành Đại học Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, việc định vị lại vai trò và sứ mệnh càng trở nên cấp thiết và mang tính chiến lược.

Ông Huỳnh Thành Đạt yêu cầu, ĐHH tập trungnhững giải pháp trọng tâm để các chủ trương, chính sách của Đảng là NQ45 và NQ57 thực sự đi vào đời sống, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện sứ mệnh của ĐHH, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhiệm vụ chiến lược quốc gia và phát triển vùng của đất nước. Với tiềm năng và nhu cầu phát triển đặc thù của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo ra cơ chế để ĐHH chủ động tham gia sâu rộng hơn vào các chương trình “đặt hàng nghiên cứu” từ các địa phương để các mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thực sự hiệu quả, gắn liền với tiềm năng bản địa và thế mạnh của vùng. Nghiên cứu hình thành một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cấp vùng, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại khu vực.

Để ĐHH có thể tăng cường và triển khai sâu sắc hơn nữa mối liên kết “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” một cách chặt chẽ, thực chất và hiệu quả, cần nhận diện rõ những rào cản và đề xuất các giải pháp khả thi. Việc kết nối mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp Nhà nước và cộng đồng không chỉ giúp phát triển hệ sinh thái ĐMST, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học mà còn góp phần hoàn thiện mô hình quản trị đại học hiện đại. ĐHH tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số…

Tin, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/dai-hoc-hue-can-tap-trung-dua-nq45-va-nq57-di-vao-cuoc-song-155920.html
Zalo