Đại biểu đề nghị làm rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước
Chiều 29/11, thảo luận dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tách bạch, quyền và trách nhiệm chủ yếu của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến đóng góp quan trọng, đặc biệt về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.
Phân quyền rõ ràng giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, điều 41 của dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có quyền phê duyệt kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, điều này có thể cản trở quyền tự chủ của doanh nghiệp. Cụ thể, đại biểu đề nghị chuyển quyền quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm từ cơ quan chủ sở hữu sang doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong các quyết định chiến lược kinh doanh của mình. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ cần đưa ra ý kiến đối với một số chỉ tiêu quan trọng như mục tiêu, doanh thu, lợi nhuận và việc phân phối lợi nhuận, đảm bảo các chỉ tiêu này phù hợp với chiến lược phát triển và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Khoản 1 điều 41 dự thảo luật quy định giao một số nhiệm vụ đặc thù cho doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết tình huống khẩn cấp và các tình huống đặc biệt khác. Góp ý quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hướng dẫn cụ thể về nội dung này, nhất là đối với trường hợp phát sinh lỗ, không bảo toàn được vốn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ) cũng cho rằng, để đảm bảo tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, cần làm rõ các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Theo đại biểu, cơ quan chủ sở hữu vốn có trách nhiệm ban hành điều lệ hoạt động đối với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước hoặc cho ý kiến về điều lệ đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Đồng thời, cơ quan chủ sở hữu cũng cần tham gia vào việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, trong khi kế hoạch sản xuất hàng năm chỉ cần có ý kiến của cơ quan này trước khi doanh nghiệp phê duyệt.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, cơ quan chủ sở hữu vốn cần tham gia lựa chọn và cử người đại diện vốn vào các vị trí quản lý và điều hành doanh nghiệp, đồng thời giám sát các dự án đầu tư, quản lý dòng tiền, và đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ chiến lược sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt.
Tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn và chức năng quản lý nhà nước
Nhiều đại biểu đánh giá cao mục đích, quan điểm xây dựng luật trên quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho rằng, cần phải “tách bạch rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước” để tránh sự chồng chéo và không hiệu quả trong hoạt động quản lý doanh nghiệp.
Theo đại biểu, cơ quan chủ sở hữu vốn chỉ nên tập trung vào quyền lợi của Nhà nước trong việc quản lý vốn và tài sản, trong khi việc quản lý điều hành doanh nghiệp nên do chính doanh nghiệp tự thực hiện theo nguyên tắc thị trường.
Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cũng cho rằng, việc phân định rõ ràng chức năng của các cơ quan chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết để giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề xuất nên tách biệt các chức năng này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt cơ hội kinh doanh và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Về mô hình cơ quan chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho biết, Điều 40 của dự thảo luật quy định có 5 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số các tổ chức, cá nhân khác. Đại biểu cho rằng, đây là các cơ quan quản lý nhà nước hoặc hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ 2018, nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực, mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn, điều hành doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, kế hoạch, kế toán, kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ với công chúng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra đề xuất hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước thành một đầu mối thống nhất để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quản lý, điều hành. Ông cho rằng, việc phân tán các cơ quan chủ sở hữu có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ và chuyên sâu trong quản lý doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị chỉ giữ các cơ quan chủ sở hữu đặc thù đối với các doanh nghiệp công ích hoặc các doanh nghiệp có yếu tố quốc phòng, an ninh.