Đặc khu Phú Quốc trên hành trình trở thành đô thị số
Phú Quốc - 'đảo Ngọc' của tỉnh An Giang và cả nước đang triển khai các giải pháp công nghệ trọng tâm nhằm hướng đến đô thị thông minh, đô thị biển đảo độc đáo, đẳng cấp quốc tế.

Một đoạn trên tuyến giao thông trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Qua đó, góp phần hỗ trợ đặc khu Phú Quốc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời phục vụ Hội nghị APEC 2027 và các sự kiện trong nước, quốc tế thời gian tới.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết, phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027 và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại đặc khu Phú Quốc, tỉnh đầu tư dự án công nghệ quy mô gồm: Trung tâm dữ liệu tỉnh, trung tâm giám sát, hệ thống camera giám sát, hệ thống thiết bị quan trắc… trên đảo Phú Quốc, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, thời gian thực hiện tháng 5/2025 đến tháng 6/2027.
Ông Nguyễn Xuân Kiệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết, Sở ban hành quyết định về trình tự thực hiện hoạt động đầu tư dự án; hình thức và phương án lựa chọn nhà thầu của 9/9 gói thầu với hình thức chỉ định thầu rút gọn; xây dựng, phê duyệt tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu của các gói thầu đảm bảo lựa chọn phù hợp dự án.
Sở lựa chọn 3 nhà thầu đủ năng lực tham gia 4/9 gói thầu, gồm: Gói 1 - tư vấn khảo sát, lập thiết kế chi tiết (thiết kế bản vẽ thi công); gói 2 - lập báo cáo nghiên cứu khả thi; gói 5 - thi công dự án; gói 6 - giám sát thi công. Các gói thầu trên thực hiện theo trình tự thủ tục, triển khai thi công vào cuối tháng 6/2025. Hiện nay, còn 5/9 gói thầu tiếp tục lựa chọn nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ, đúng theo kế hoạch của tỉnh.
Tuy nhiên, do đây là dự án có quy mô lớn, giải pháp công nghệ cao nên việc tìm kiếm nhà thầu đủ năng lực thực hiện các gói thầu mất nhiều thời gian. Hiện nay, hạ tầng, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại đặc khu Phú Quốc hoạt động thông suốt, ổn định.
Đặc khu Phú Quốc được trang bị đường truyền Internet với tốc độ 400Mbps và đường truyền số liệu chuyên dùng phục vụ truy cập các ứng dụng dùng chung với tốc độ 6 Mbps. Trung tâm Hành chính công được trang bị cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu như: máy tính tiếp nhận hồ sơ, máy in, máy scan, máy photocopy, thiết bị quét mã QR, camera giám sát, máy lấy số thứ tự…
Tỉnh hoàn thành triển khai đường truyền, thiết bị hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đến đặc khu Phú Quốc. Sở Khoa học và Công nghệ đã cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc cho các máy tính của công chức một cửa.
Hiện nay, đặc khu Phú Quốc đang vận hành, sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và xử lý công việc hàng ngày của cán bộ, công chức trên môi trường mạng, đặc biệt là gửi nhận văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đặc khu đang sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng, với 400 thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và hiện đại, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, công chức của đặc khu; đồng thời, bố trí cán bộ kỹ thuật của VNPT An Giang hỗ trợ cán bộ, công chức trong quá trình vận hành, sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung; hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.
Định hướng phát triển của Phú Quốc với mục tiêu trở thành “Đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc; là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái biển - đảo đẳng cấp quốc tế; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”. Điều này đòi hỏi Phú Quốc phải quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời, duy trì vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh. Mục tiêu cuối cùng là hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của “đảo ngọc”.
Dự án công nghệ nói trên khi hoàn thành sẽ trở thành Trung tâm điều hành thông minh, đóng vai trò “bộ não” số hóa của đặc khu Phú Quốc, với nhiệm vụ tích hợp quản lý toàn diện các lĩnh vực quan trọng như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, rừng, giao thông, du lịch, an ninh trật tự…
Ông Nguyễn Xuân Kiệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang chia sẻ, dự án vận hành hoạt động mang lại nhiều lợi ích cốt lõi. Cụ thể nâng cao năng lực quản lý nhà nước và định hướng phát triển chung cho toàn tỉnh; tăng cường khả năng giám sát và phân tích dữ liệu, giúp phát hiện sớm bất cập, xử lý vi phạm kịp thời; đảm bảo an toàn, trật tự và chất lượng sống cho người dân; thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của Phú Quốc, kiến tạo đô thị thông minh toàn diện...
Với việc đầu tư vào công nghệ và số hóa, Phú Quốc đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế, du lịch đẳng cấp quốc tế, phát triển bền vững và mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.