Đã nhận chế độ theo Nghị định 178, được bầu làm bí thư chi bộ có phải trả lại tiền?
Sau khi nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178, cán bộ, công chức cấp xã tiếp tục được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố thì có phải hoàn trả tiền chế độ đã nhận trước đó?
Sau 2 tuần vận hành bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều cán bộ, công chức gửi đến bộ Nội vụ nhiều câu hỏi liên quan đến Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
"Cán bộ công chức cấp xã nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 và Nghị định 67 sau đó được bầu làm bí thư chi bộ thì có phải trả lại tiền hay không?", Bà Phạm Thị Tuyến gửi câu hỏi tới Bộ Nội vụ.
Liên quan đến câu hỏi của bà Phạm Thị Tuyến, Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67) thì cán bộ, công chức cấp xã đã nghỉ hưu trước tuổi và sau đó được bầu làm bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố thì không phải hoàn trả lại tiền trợ cấp đã nhận.
Như vậy, những người như bà Tuyến có thể yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà không phải lo lắng về việc hoàn trả chế độ đã được giải quyết.

Ảnh minh họa: Thạch Thảo
"Hiện nay, khi tính lương hiện hưởng để làm chế độ theo Nghị định 178 cho cán bộ, công chức làm công tác cơ yếu tại huyện ủy, thì phụ cấp ưu đãi theo nghề có được tính không?", ông Võ Thanh Bình thắc mắc.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Nội vụ trả lời như sau: Tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67) đã quy định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ bao gồm các khoản phụ cấp.
Cụ thể các loại phụ cấp gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp đảng đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.
Theo đó, các khoản phụ cấp khác không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67).
Công chức điều động về xã đặc biệt khó khăn sau sáp nhập có được hưởng phụ cấp mới?
Cùng quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho công chức, ông Nguyễn Văn An thắc mắc: "Tôi là công chức cấp huyện (phụ cấp khu vực 0.3) về công tác tại xã đặc biệt khó khăn (phụ cấp khu vực 0.5). Như vậy, tôi có được hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định 76/2019 (về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) và hưởng mức phụ cấp khu vực mới ngay từ tháng 7/2025 hay không?"
Bộ Nội vụ cho hay, tại Điều 13 Nghị quyết số 76 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 đã quy định: Người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung của các chế độ, chính sách theo quy định của trung ương và địa phương áp dụng đối với đơn vị hành chính như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Quyết định số 759 ngày 14/4/2025 của Thủ tướng về phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng quy định: Bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng (nếu có) của cán bộ, công chức, viên chức được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ phù hợp với quy định mới của pháp luật.
Theo đó, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng hệ số phụ cấp khu vực theo các quy định hiện hành ở thời điểm trước ngày 1/7/2025, khi sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 thì tiếp tục được hưởng hệ số phụ cấp khu vực đã được hưởng cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Tại khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 76 ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã quy định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng được áp dụng chính sách tại Nghị định số 76.
Theo đó, khi sắp xếp đơn vị hành chính cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại trụ sở xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách tại Nghị định số 76.
Khoản 2, Điều 1 Nghị định 76/2019 quy định về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.