Đà Nẵng lên phương án giải phóng mặt bằng cho Khu Thương mại tự do
TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai các bước quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư tại Khu Thương mại tự do theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Khu Thương mại tự do Đà Nẵng rộng gần 1.900 ha, được định hướng trở thành trung tâm kinh tế mang tầm khu vực. Ảnh: Chí Hùng.
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1142 ngày 13/6 của Thủ tướng về thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng.
Tại kế hoạch này, Chủ tịch UBND TP Lương Nguyễn Minh Triết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu các cơ quan từ nay đến cuối năm phải xây dựng hồ sơ đề xuất các chính sách mới ngoài các chính sách quy định tại Nghị quyết 136 đối với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay các nhiệm vụ về điều chỉnh quy hoạch các cấp, các thủ tục liên quan về đất đai trong ranh giới Khu Thương mại tự do.
Trong đó, trước mắt các cơ quan, đơn vị cần tập trung xử lý 5 vị trí được xác định có thể triển khai ngay. Cụ thể, vị trí 2 là một phần Khu công nghiệp Liên Chiểu, nằm trên địa bàn phường Hải Vân với diện tích khoảng 77 ha; vị trí 3 cũng thuộc phường Hải Vân, có quy mô 500 ha.
Tại xã Bà Nà, thành phố xác định 2 khu đất gồm vị trí 5, nằm trong Quần thể khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, rộng khoảng 90 ha và vị trí 6 là khu chức năng thuộc phân khu đô thị sườn đồi, diện tích 154 ha. Vị trí 7 trải rộng trên địa bàn xã Bà Nà và xã Hòa Vang, với tổng diện tích 401 ha.
Cùng với các nhiệm vụ trên, thành phố giao các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án giải phóng mặt bằng tại hai khu vực đông dân cư, gồm vị trí 1 và vị trí 4.

Bản đồ các vị trí hình thành Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Nguồn: UBND TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng giao các sở, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong Khu Thương mại tự do. Thành phố cũng yêu cầu đề xuất cơ chế hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng đối với nhà đầu tư chiến lược tại các khu vực đông dân cư, nơi có chi phí giải tỏa lớn.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư thứ cấp; tổ chức xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời kết nối hoạt động xúc tiến giữa Khu Thương mại tự do với Trung tâm tài chính Đà Nẵng.
Về nguồn lực, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất bố trí vốn đầu tư trung hạn để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ Khu Thương mại tư do từ nguồn vốn đầu tư công.
UBND TP cũng chỉ đạo hoàn thiện bộ máy nhân sự, tổ chức đào tạo nghiệp vụ quản lý liên quan; ban hành quy chế phối hợp trong vận hành khu vực này.
Đồng thời, các cơ quan chức năng được giao đề xuất quy định, hướng dẫn về thủ tục và giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào Khu Thương mại tự do; triển khai phần mềm chuyên ngành, xây dựng tổ chức bộ máy và đề xuất trang thiết bị kiểm tra hải quan.
Ngoài ra, thành phố yêu cầu nghiên cứu, khảo sát khả năng mở rộng ranh giới Khu Thương mại tự do về phía Nam, làm cơ sở lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch vào thời điểm phù hợp.
Theo quyết định của Chính phủ, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng có quy mô khoảng 1.881 ha bố trí tại các vị trí không liền kề, bao gồm các khu chức năng: Sản xuất, logistics; thương mại - dịch vụ; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm kinh tế mang tầm khu vực, đóng vai trò là cực tăng trưởng chiến lược của miền Trung và cả nước trong bối cảnh phát triển mới.
Mục tiêu dài hạn là trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là trung tâm sản xuất, đầu mối trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn kết với cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế Đà Nẵng và hành lang kinh tế Đông - Tây...