Đà Nẵng: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Hang Dơi

Ngày 21/7, UBND xã Thạnh Bình, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Hang Dơi.

Theo chính quyền địa phương, Thạnh Bình là vùng địa văn hóa, lịch sử với bề dày hàng trăm triệu năm; nơi ghi đậm dấu ấn và chứng tích của nền Văn hóa tiền sơ sử, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chăm. Đây cũng là khu vực lưu giữ nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú – kết quả của quá trình phong hóa lâu dài của lớp vỏ địa cầu – như Lò Thung, Hang Dơi, thác Ồ - Vực Vin, Hố nước Đèo Liêu... Trong đó, danh thắng Hang Dơi được các nhà địa chất học đánh giá cao về giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử, được ví như “công viên Kỷ Jura” với những “trận đồ hóa thạch”.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trao Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Hang Dơi cho đại diện chính quyền xã Thạnh Bình

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trao Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Hang Dơi cho đại diện chính quyền xã Thạnh Bình

Quần thể Hang Dơi được kiến tạo từ 530 đến 158 triệu năm trước, là một trong những hệ tầng đá cổ nhất ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng. Các lớp đá thuộc hệ tầng Khâm Đức và Núi Vú là đá biến chất lộ trên diện rộng ở danh thắng này, thể hiện rõ qua màu sắc, cấu tạo phân phiến, vi uốn nếp... Đây là vết lộ hiếm có ở xứ nhiệt đới vì lộ toàn đá gốc, trong khi ở nhiều nơi khác như Yên Bái, Nghệ An hay Tây Nguyên, đá gốc đã bị phong hóa mạnh. Những điểm lộ đá gốc tại Hang Dơi như một bảo tàng tự nhiên về hoạt động địa chất, góp phần làm sáng tỏ lịch sử của một giai đoạn phát triển địa chất quan trọng của Trái Đất. Chính vì vậy, nơi đây là điểm đến lý tưởng để tham quan, du lịch, học tập và nghiên cứu, giúp hiểu rõ hơn về môi trường hình thành các loại đá, cũng như quá trình biến đổi của tự nhiên dưới tác động của nhiệt độ, áp suất và lực kiến tạo.

Hang Dơi còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Những ghềnh đá phiến bị mài mòn theo thời gian tạo nên các đường nét lạ mắt, tựa như các ký tự cổ khắc trên vách đá. Các khối đá dáng vẻ hiên ngang, chắc khỏe với hình dạng kỳ vĩ. Những hình ảnh thiên tạo nơi đây giống như các bức thạch đồ, thạch tranh đầy chất trừu tượng được bày biện tự nhiên trên bề mặt các phiến đá. Nhiều khối đá có hình thù kỳ dị, kích thích trí tưởng tượng của người xem, để lại ấn tượng sâu đậm đối với du khách. Hang Dơi còn có hệ sinh thái đa dạng, nằm gần suối Ồ Ồ - Vực Vin, hồ chứa Thành Công... tạo nên một không gian sinh thái gần gũi, thân thiện với môi trường và có tiềm năng lớn trong việc khai thác du lịch sinh thái làng quê.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hang Dơi từng là cơ sở của các tổ chức cách mạng thuộc Khu V, Tỉnh ủy và huyện Tiên Phước. Tại đây, công binh xưởng QB 150 của Khu V đã chọn làm nơi sản xuất vũ khí, đạn dược. Nhờ nguồn phân dơi dồi dào trong các hang động, công nhân công binh đã khai thác để sản xuất thuốc súng, đảm bảo nguồn cung đạn cho cả chiến trường Khu V. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đơn vị C45 huyện đội Tiên Phước tiếp tục chọn Hang Dơi làm cơ sở đứng chân, vừa củng cố lực lượng, vừa phối hợp với dân quân địa phương tuần tra, kiểm soát địa bàn. Địa hình hiểm yếu của Hang Dơi đã che chắn an toàn cho hoạt động của các tổ chức cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của danh thắng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái làng quê và xây dựng vùng đặc trưng miền núi xứ Quảng, Đảng bộ và chính quyền xã Thạnh Bình đã tích cực triển khai các hoạt động phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng tự nhiên. Đặc biệt, địa phương đã triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng núi Quảng Nam, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các danh thắng như Hang Dơi.

Nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tìm đến Hang Dơi để nghiên cứu, sáng tác, góp phần lan tỏa giá trị địa chất, văn hóa và cảnh quan đặc sắc của danh thắng này

Nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tìm đến Hang Dơi để nghiên cứu, sáng tác, góp phần lan tỏa giá trị địa chất, văn hóa và cảnh quan đặc sắc của danh thắng này

Tại danh thắng Hang Dơi, xã đã chỉ đạo gắn biển chỉ dẫn, biển cảnh báo về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ di tích và tránh tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Hang Dơi đã được đưa vào quy hoạch là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi bật của địa phương. Hằng năm, lượng khách đến tham quan đã đạt gần 10.000 lượt, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ, Tết. Nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tìm đến nơi đây để nghiên cứu và sáng tác, cho thấy những tín hiệu tích cực trong quá trình phát triển du lịch bền vững.

Bảo tồn và phát huy giá trị của danh thắng Hang Dơi có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố Đà Nẵng và cả nước. Với lợi thế về tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội như Khu di tích quốc gia Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, Hang Dơi, thác Ồ - Vực Vin, Hố nước Đèo Liêu... xã Thạnh Bình đang từng bước khẳng định vị thế là vùng trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch phía Tây của thành phố Đà Nẵng.

Q. Thân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/da-nang-don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-danh-lam-thang-canh-hang-doi-a29529.html
Zalo