Đà Nẵng chấp thuận dự án du lịch đường thủy nội địa, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng
Thành phố Đà Nẵng áp dụng Nghị quyết 136 của Quốc hội để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch đường thủy nội địa, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định này, Thành phố Đà Nẵng sẽ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này theo Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo mở rộng 20 bến thủy nội địa, kèm theo công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của bến, với tổng diện tích đất bố trí các bến dự kiến khoảng 15,30 ha.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng trong công viên phía sau 11 bến, tổng diện tích đất dự kiến 25,20 ha. Đồng thời trình diễn hiệu ứng ánh sáng, show diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách đến với loại hình du lịch đường thủy…

Dự án du lịch đường thủy nội địa tại Đà Nẵng sẽ có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh Hoàng Anh.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này là hơn 9.881,9 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.482 tỷ đồng, vốn huy động là 8.399 tỷ đồng.
Dự án du lịch đường thủy nội địa sẽ được đầu tư dọc sông Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng.
Dự án này được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2025 đến 2030 sẽ đầu tư 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn, trong phạm vi từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn.
Giai đoạn 2 từ năm 2028 - 2031 sẽ đầu tư những hạng mục như 9 bến thủy nội địa dọc sông Vĩnh Điện, Cổ Cò và dọc sông Cẩm Lệ…
Theo UBND TP.Đà Nẵng mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến du thuyền và các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của cảng, bến, nạo vét khu vực trước bến.
Ngoài ra, xây dựng các công viên, công trình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch phía sau bến; mua sắm tàu thuyền sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường phục vụ du lịch đường thủy nội địa chất lượng cao; trình diễn chiếu sáng, show diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách đến với loại hình du lịch đường thủy.
Ngoài mục tiêu chính là phục vụ du lịch đường thủy nội địa, hệ thống cảng, bến thủy nội địa còn là nơi đón trả khách, neo đậu tàu thuyền ... phục vụ giao thông công cộng bằng đường thủy, giảm tải áp lực giao thông đường bộ, đa dạng hóa phương thức vận chuyển hành khách…