Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án du lịch đường thủy gần 10.000 tỉ đồng
UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng.
Tối 14-7, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm xác nhận với PLO thông tin UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa.
Cụ thể, căn cứ văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long nộp, Sở Tài chính TP Đà Nẵng đã có báo cáo thẩm định trình UBND TP.
"Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, TP đã đăng tải thông tin lên mạng đấu thầu quốc gia để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định" - bà Tâm thông tin.

TP Đà Nẵng sẽ có dự án du lịch đường thủy nội địa gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT
Được biết, hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo khoản 4 điều 12 Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến du thuyền và các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của cảng, bến, nạo vét khu vực trước bến (nếu cần thiết).
Xây dựng các công viên, công trình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch phía sau bến. Kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, phát triển các sản phẩm du lịch mới như tour du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí trên tàu… góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trình diễn chiếu sáng, show nghệ thuật nhằm thu hút khách đến với loại hình du lịch đường thủy. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa còn là nơi đón trả khách, neo đậu tàu thuyền phục vụ giao thông công cộng bằng đường thủy.
Quy mô dự án gồm đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng 20 bến thủy nội địa kèm theo công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của bến với tổng diện tích đất bố trí các bến dự kiến khoảng 15,3ha.
Đầu tư xây dựng công viên phía sau 11 bến với tổng diện tích đất dự kiến 25,2ha. Nhà đầu tư sẽ mua sắm tàu chở khách phục vụ du lịch thủy nội địa, tàu chở khách sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường tốt nhất trên thế giới.
Trong đó, tàu chở khách từ 300 – 500 khách/tàu có chiều cao lớn nhất phù hợp với chiều cao tĩnh không của các cầu vượt sông. Tàu chở khách từ 100 – 300 khách/tàu sẽ hành thủy trong phạm vi tuyến thủy nội địa bị khống chế chiều cao tĩnh không của cầu vượt sông.
Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 9.881 tỉ đồng, đã bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (tạm tính) là hơn 117 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.482 tỉ đồng, vốn huy động hơn 8.399 tỉ đồng.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án chạy dọc sông Hàn và các sông Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2025 – 2031, chia thành hai giai đoạn với ba dự án thành phần. Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn trong vòng ba năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất thực hiện dự án.
Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành trong vòng ba năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất thực hiện dự án.