Đà Nẵng cần làm gì để xây dựng thành công khu thương mại tự do?
Các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra các ý kiến đóng góp để Đà Nẵng xây dựng thành công khu thương mại tự do.
Làm với tinh thần không sợ sai
Ngày 23/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đề án xây dựng khu thương mại tự do. Hội thảo do Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường và Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương chủ trì.
Theo dự thảo đề án, quy mô diện tích của khu thương mại tự do đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng 2.400 ha. Khu thương mại tự do Đà Nẵng được định hình có hàng rào cứng với ranh giới không gian xác định, được áp dụng các chính sách ưu đãi cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn dắt đối với một số ngành ưu tiên.
Bên cạnh đó, khu thương mại tự do Đà Nẵng được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác; đồng thời là mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”. Lấy thu hút phát triển bên ngoài lãnh thổ để cộng hưởng thu hút các hoạt động bên trong lãnh thổ, tạo hiệu ứng liên kết tổng hợp thúc đẩy phát triển vùng, quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Trung ương đã cho phép Đà Nẵng làm thí điểm khu thương mại tự do để rút kinh nghiệm cho cả nước. Vì vậy TP cần mạnh dạn đề xuất chính sách cao nhất có thể, tinh thần là không sợ sai.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng khu thương mại tự do như một đặc khu kinh tế thu nhỏ, nên để thành công đòi hỏi chính sách ưu đãi đầu tư tối đa về miễn giảm thuế.
Ngoài ra, trong phân khu du lịch thương mại, bản chất là mua sắm hàng miễn thuế, cần có chính sách cho khách du lịch nội địa được hưởng một phần ưu đãi như khách quốc tế.
“Cần đề xuất chính sách chung, thành lập một trung tâm chung xử lý các vấn đề của cả khu thương mại tự do và trung tâm tài chính, có thể chế chung. Cơ quan quản lý tại đây phải được giao hai thẩm quyền là cấp phép và giám sát”, ông Thành cho hay.
Mạnh dạn đưa kiến nghị vào đề án
Còn TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng Đề án cần bổ sung quy định Thủ tướng ủy quyền cho Đà Nẵng được chọn nhà đầu tư chiến lược theo nhu cầu.
“Đà Nẵng nên xin phép thí điểm đi trước về mặt tư tưởng. Cần có cơ chế để Đà Nẵng tự quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm… mà không phải xin ý kiến bộ ngành”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, Đà Nẵng cần khẳng định ngay ý chí này trong đề án để tăng quyết tâm chính trị với tinh thần là Đà Nẵng sẽ vươn mình với khu thương mại tự do.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay cảng biển Liên Chiểu là yếu tố quyết định sự thành công của Khu thương mại tự do. Đà Nẵng cần khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cảng, xây dựng mở rộng thêm nhiều tuyến đường kết nối.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết khi xây dựng Nghị quyết 136/2024, TP đã nghiên cứu rất nhiều mô hình khu thương mại tự do trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương đã nghiên cứu về khu thương mại tự do trình Trung ương nhưng chưa được, chỉ có Đà Nẵng được giao thí điểm.
“Điều này thể hiện sự tin tưởng của Trung ương đặt lên vai Đà Nẵng với việc xác định tiềm năng lợi thế của địa phương. Hơn nữa, tinh thần của Đà Nẵng là mạnh dạn thí điểm, có những đột phá phát triển và tiếp tục đề xuất những cơ chế chính sách mới chứ không chỉ dừng lại ở Nghị quyết 136 của Quốc hội.
Chính vì vậy, Đà Nẵng mạnh dạn đưa vào đề án những gì cần kiến nghị. Có những chính sách chưa thể có ngay, nhưng khi sơ kết mô hình khu thương mại tự do những năm tới, TP sẽ tiếp tục kiến nghị để sửa đổi”, ông Cường khẳng định.