Đã khởi tố 14 vụ việc để điều tra, xử lý

Chiều 2/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công bố, công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022.

Tại buổi họp báo, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, người phát ngôn của KTNN cho biết, thời gian qua, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Năm 2023 KTNN đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; bám sát Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030, KTNN đã tăng cường thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao và thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Theo đó, trong năm 2023, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán; trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ ngành và địa phương.

Trả lời về việc có bao nhiêu vụ việc thông qua kiểm toán được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, bà Dung cho hay, nếu thông qua kết quả kiểm toán phát hiện ra có các vấn đề liên quan dấu hiệu tội phạm sẽ kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xem xét, xử lý.

Bà Hà Thị Mỹ Dung trả lời báo chí

Bà Hà Thị Mỹ Dung trả lời báo chí

Theo bà Dung, qua hoạt động kiểm toán, hằng năm đã cung cấp hàng trăm các báo cáo kiểm toán cho Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý, phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

“Trong thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp. Trong 40 vụ việc, KTNN đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền. Kết quả trong 40 vụ việc đến nay các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc. Trong 35 vụ việc đó, có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra, xử lý, có 21 vụ việc đang có ý kiến để điều tra, đợi kết quả giám định”-bà Dung cho biết.

Bà Dung cũng chia sẻ, công tác giám định cần có thời gian, vì vậy đang trong thời gian chờ kết quả giám định, đồng thời cũng có các nội dung cần tiếp tục xác minh trong thời gian tới. Cũng có một số nội dung trong các vụ việc không khởi tố vụ án, vì các sai phạm đã được xử lý.

Bà Dung cũng khẳng định việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra với KTNN về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm không có gì khó khăn.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ngay các vụ việc, theo bà Dung cũng rất khó bởi có các vụ việc cần có thời gian để điều tra, xác minh. Để bảo vệ quyền lợi cho các bên thì chưa thể xử lý dứt điểm các vụ việc. Trong thời gian tới cũng sẽ có văn bản để phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Cũng theo bà Dung, trong năm 2023, KTNN đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là tài liệu rất quan trọng và trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có quy trình kiểm toán riêng.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/da-khoi-to-14-vu-viec-de-dieu-tra-xu-ly-10284625.html
Zalo