Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống thuốc lá cho học sinh
Tuyên truyền tác hại thuốc lá thông qua các hoạt động ngoại khóa là cách mà trường học tại Đà Nẵng vận dụng, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh.
Tuyên truyền để thấy sự nguy hiểm của thuốc lá, thuốc lá điện tử
Ở độ tuổi thanh thiếu niên, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá hoặc biết nhưng chưa đủ bản lĩnh để nói không với thuốc lá.
Em P.N.T., sinh viên một trường đại học tại Đà Nẵng cho hay: “Trước đây, em không hút thuốc, nhưng nhìn thấy bạn bè xung quanh hút thuốc thường xuyên, cộng với việc thức khuya học bài nên em cũng thử, rồi quen từ khi nào không hay".
Nhưng qua sinh hoạt động tuyên truyền của trường cũng như Đoàn thanh niên trong trường về tác hại của thuốc lá, dần dần T. đã biết được tác hại và quyết tâm hút thuốc lá hơn 1 năm nay.
Mặc dù các trường học đều cấm hút thuốc lá, song hiệu quả quản lý chỉ đạt được khi học sinh, sinh viên ở trường. Còn ở ngoài phạm vi trường học, việc hút thuốc của các em rất khó để nhà trường xử lý. Để góp phần chung tay trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng cao sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước, những năm qua, ngành Giáo dục, Y tế và Công an Đà Nẵng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống thuốc lá trong học đường.
Cụ thể, vừa qua tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Công an TP Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền cho hơn 800 cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và ma túy trong học đường.
Tại buổi tuyên truyền, học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường được báo cáo viên của Phòng cảnh sát ma túy truyền đạt thông tin về nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy. Việc nhận diện các chất ma túy, hậu quả, tác hại của việc sử dụng ma túy, nhất là ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, thuốc lá điện tử.
Hay mới đây nhất, ngày 11/11, Trường Tiểu học số 1 Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức truyền thông phòng chống tác hại ma túy, thuốc lá, thuốc lá điện tử cho các em học sinh của Nhà trường
Tại buổi tuyên truyền, thầy Ngô Hồng Khánh - Hiệu trưởng nhà trường đã cung cấp thông tin cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử, những chất gây nghiện mới trá hình dưới dạng đồ ăn, thức uống để có biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, các em được tham gia trò chơi, trả lời các tình huống khi bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy, chất gây nghiện; tình huống khi bị lôi kéo vận chuyển ma túy và cách xử lý…
Qua hoạt động giúp học sinh toàn trường cũng như giáo viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác.
Đây chỉ là một trong hàng trăm hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá mà các ngành chức năng thực hiện trong thời gian qua.
Sau buổi tuyên truyền về phòng chống thuốc lá tại trường, em Lê Nguyễn Phong – học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) cho hay, qua những buổi tuyên truyền về phòng chống thuốc lá và thuốc lá điện tử em đã nhận thức rõ hơn về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử đến đến sức khỏe của học sinh và những người xung quanh.
“Hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử sẽ gây nghiện, làm tổn thương đường hô hấp, tăng nguy cơ bị ngộ độc, co giật, ảo giác rất nguy hiểm. Nhận thức được điều này em sẽ tránh được những cám dỗ vô hình nhưng lại đang hiện hữu trong cuộc sống chúng em”, em Phong chia sẻ.
Xây dựng mô hình “trường học không khói thuốc lá”
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trước khi bước vào năm học mới, UBND huyện Hòa Vang đã có kế hoạch để tổ chức tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trong các trường học trên địa bàn huyện.
Kế hoạch này bao gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, xây dựng chương trình truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.
Qua đó, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho tất cả các đối tượng trong các cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, cơ sở y tế và người dân tại cộng đồng về tác hại của thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá; môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đảm bảo phù hợp…
Cạnh đó, giao Phòng GD&ĐT chủ động phối hợp với Công an huyện, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội huyện, UBND 11 xã và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chuyên đề về giải quyết thực trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong các trường học trên địa bàn huyện.
Chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, tích cực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá trong học sinh và công chức, viên chức ngành giáo dục; xây dựng trường học “không khói thuốc lá”. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn thành phố, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng treo 50 tấm phướn tuyên truyền trên các tuyến đường, trục đường chính của thành phố như đường: Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Tôn Đức Thắng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Cách Mạng Tháng 8,…
Song song với công tác tuyên truyền pháp luật, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thị trường, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc lá, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã xử lý 66 vụ việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc lá với các hành vi vi phạm như: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; Không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá; Không báo cáo về tình hình, kết quả kinh doanh và hệ thống phân phối của thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá theo quy định;… Thu nộp ngân sách nhà nước gần 222 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hơn 610 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.