Cựu Tổng thống Mỹ bị bắn trúng ngực vẫn diễn thuyết trong 90 phút

Hết thảy khán giả tại Thính phòng Milwaukee đã há hốc mồm khi cựu tổng thống Theodore Roosevelt cởi cúc áo vest để lộ chiếc áo sơ mi đẫm máu và tuyên bố sẽ vẫn phát biểu, với một viên đạn găm trong lồng ngực.

Cựu Tổng thống, ứng cử viên tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: Politico

Cựu Tổng thống, ứng cử viên tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: Politico

Donald J. Trump không phải là cựu tổng thống đầu tiên sống sót sau một vụ ám sát khi đang nỗ lực tái tranh cử trở lại Nhà Trắng. Hơn một thế kỷ trước, cựu Tổng thống Theodore Roosevelt đã bị bắn ngay trước khi ông dự kiến lên sân khấu tại một sự kiện tranh cử, và điều kỳ lạ là ông vẫn tiếp tục phát biểu với một viên đạn găm trong lồng ngực.

TẬP BẢN THẢO CỨU MẠNG

Câu mở đầu của Theodore Roosevelt hầu như không gây chú ý trong bài phát biểu tranh cử tổng thống: “Các bạn, tôi yêu cầu các bạn im lặng nhất có thể”. Tuy nhiên, câu thứ hai của ông là một quả bom. “Tôi không biết liệu các bạn có hiểu rõ rằng tôi vừa bị bắn hay không”.

Hết thảy khán giả tại Thính phòng Milwaukee vào ngày 14/10/1912, đã kinh hoàng, há hốc mồm khi cựu tổng thống cởi cúc áo vest để lộ chiếc áo sơ mi dính máu.

“Cần nhiều hơn thế để giết được một con nai sừng tấm", ứng cử viên đang bị thương nói. Ông cho tay vào túi áo khoác và lôi ra một tập bản thảo dài 50 trang thủng vết đạn.

Tập bản thảo với lỗ thủng do đạn xuyên qua. Ảnh: NYT

Tập bản thảo với lỗ thủng do đạn xuyên qua. Ảnh: NYT

Cầm tập bản thảo phát biểu đã chuẩn bị sẵn, với lỗ thủng lớn xuyên qua lớp giấy, Roosevelt tiếp tục: “May mắn thay là tôi có bản thảo, nên bạn thấy đấy, tôi sắp có một bài phát biểu dài, đó là nơi viên đạn xuyên qua, và có lẽ nó đã cứu tôi khỏi bị đạn găm vào tim. Bây giờ viên đạn đang ở trong người nên tôi không thể nói dài được nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức".

Chỉ hai ngày trước đó, tổng biên tập của tờ The Outlook đã mô tả Roosevelt là “cục pin điện có năng lượng vô tận”, và trong 90 phút tiếp theo của buổi lễ, cựu tổng thống 53 tuổi đã chứng minh điều đó. “Tôi xin hứa với bạn, tôi không quan tâm đến việc bị bắn, đó không phải là một cú đòn”, ông khẳng định.

Ít ai có thể nghi ngờ Theodore Roosevelt về điều đó. Mặc dù giọng nói yếu đi và hơi thở ngắn lại, ông vẫn trừng mắt nhìn các trợ lý đang lo lắng của mình bất cứ khi nào họ cầu xin ông ngừng nói hoặc đứng xung quanh bục để đỡ ông nếu ông gục xuống. Chỉ khi bài phát biểu kết thúc sau 90 phút, ông mới đồng ý đến bệnh viện.

Chiếc áo sơ mi nhuốm máu mà cựu Tổng thống Roosevelt mặc khi ông bị bắn. Ảnh: Getty Images

Chiếc áo sơ mi nhuốm máu mà cựu Tổng thống Roosevelt mặc khi ông bị bắn. Ảnh: Getty Images

NỖ LỰC TRỞ LẠI NHÀ TRẮNG

Phản ứng gan dạ của Roosevelt trước cuộc tấn công năm 1912 đã trở thành một huyền thoại và giúp củng cố danh tiếng về sự cứng rắn của ông. Cho đến thời điểm đó trong lịch sử nước Mỹ, có ba tổng thống đã bị giết bởi những kẻ ám sát, trong đó có William McKinley, người mà cái chết của ông đã đưa Roosevelt, khi đó là phó tổng thống, lên làm tổng thống. Nhưng tính đến thời điểm đó, không có tổng thống đương nhiệm hay cựu tổng thống nào bị bắn mà sống sót.

Theodore Roosevelt, giống như ông Trump, đang thực hiện nỗ lực quay trở lại bốn năm sau khi rời Nhà Trắng. Trước đó, ông đã tự nguyện rời nhiệm sở, từ chối tranh cử vào năm 1908 sau khi phục vụ gần hai nhiệm kỳ. Thay vào đó, ông đã trợ giúp cho người bảo trợ của mình, William Howard Taft trở thành tổng thống. Nhưng trong vòng bốn năm, cả hai bất hòa và Roosevelt quyết định thách thức ghế tổng thống của Taft, xóa bỏ truyền thống người cùng đảng ủng hộ tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ.

Sau khi Taft đánh bại Roosevelt để giành được đề cử của Đảng Cộng hòa tại Đại hội toàn quốc, Roosevelt đã tách khỏi đảng Cộng hòa để thành lập Đảng Cấp tiến, còn có biệt danh là Đảng Bull Moose (đảng Nai sừng tấm), để tiếp tục tham gia cuộc tranh cử với Taft và Woodrow Wilson, thống đốc New Jersey - ứng viên đảng Dân chủ.

Là cựu Tổng thống của đảng Cộng hòa, nhưng ở giai đoạn cuối cuộc tranh cử năm 1912, ông Theodore Roosevelt đã chạy đua với tư cách đại diện đảng thứ ba, do ông thành lập. Ảnh: Getty Images

Là cựu Tổng thống của đảng Cộng hòa, nhưng ở giai đoạn cuối cuộc tranh cử năm 1912, ông Theodore Roosevelt đã chạy đua với tư cách đại diện đảng thứ ba, do ông thành lập. Ảnh: Getty Images

Vào ngày 14/10/1912, Roosevelt có mặt ở Milwaukee, tình cờ cũng chính là thành phố nơi ông Trump được đề cử làm ứng viên đảng Cộng hòa trong tuần này.

Vụ nổ súng xảy ra ngay sau 8 giờ tối, khi ông Roosevelt bước vào xe bên ngoài khách sạn Gilpatrick. Khi ông đứng lên trong chiếc ô tô mui trần và vẫy mũ bằng tay phải trước đám đông, một tia chớp từ khẩu súng lục ổ quay Colt cách đó chỉ 1,5 mét đã lóe sáng. Người viết tốc ký của ứng cử viên tổng thống đã lập tức xô sát thủ và tóm lấy cổ tay phải của kẻ tấn công để ngăn hắn bắn phát thứ hai.

Đám đông đầy thiện chí bỗng trở thành phẫn nộ, giáng những đòn như mưa vào tay súng và hét lên, "Giết hắn!".

Theo một nhân chứng, có một người “lạnh lùng nhất và ít sôi sục nhất trong đám đông”, đó chính là Roosevelt. Ông hét lên: “Đừng giết anh ta. Đưa anh ta đến đây. Tôi muốn gặp”. Sau đó, Roosevelt hỏi kẻ xả súng: "Anh làm vậy để làm gì?". Không nhận được câu trả lời, ông đành nói: “Ồ, chẳng có ích gì? Hãy giao hắn cho cảnh sát".

Mặc dù không có vết máu bên ngoài, cựu tổng thống thò tay vào trong chiếc áo khoác nặng nề và cảm nhận được một lỗ đạn cỡ đồng xu ở ngực phải.

“Hắn đã làm tôi đổ máu”, Roosevelt thì thầm với một quan chức đảng. Ông ho vào lòng bàn tay ba lần. Không thấy vết máu nào ra tay, ông nhận định viên đạn chưa xuyên qua phổi.

Một bác sĩ đi cùng bảo người lái xe đi thẳng đến bệnh viện, nhưng cựu Tổng thống Roosevelt lại đưa ra mệnh lệnh khác: “Anh để tôi phát biểu”

Những bức ảnh chụp X-quang sau sự kiện vận động tranh cử cho thấy viên đạn găm vào xương sườn thứ tư bên phải của Roosevelt trên đường hướng lên tim ông. May mắn thay, viên đạn đã bị làm chậm lại nhờ chiếc áo khoác dày, hộp kính bằng thép và bản thảo dày của bài phát biểu được nhét vào túi áo khoác bên phải.

Roosevelt đánh một bức điện cho vợ nói rằng ông đang ở “thể trạng rất tốt” và vết thương rất nhẹ, không “nghiêm trọng hơn những vết thương mà bất kỳ cậu bé nào thường xuyên gặp phải”.

KẺ ÁM SÁT HOANG TƯỞNG

Ngay cả trước vụ nổ súng, chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1912 đã diễn ra sôi nổi, với việc cựu tổng thống Đảng Cộng hòa thách thức người đứng đầu đảng của ông, tổng thống đương nhiệm William Howard Taft (Tổng thống Mỹ thứ 27).

Cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đảng khốc liệt đến mức hàng rào thép gai được che giấu bởi cờ đuôi nheo đã được giăng để bảo vệ bục phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa. Thua cuộc trước Tổng thống Taft trong cuộc đua giành suất đề cử của đảng Cộng hòa, Roosevelt đã chọn cách khác, ly khai và tranh cử dưới ngọn cờ của “Đảng Nai sừng tấm”.

Bị các đối thủ chính trị và các thành phần báo chí chỉ trích vì là kẻ phản bội thèm khát quyền lực, sẵn sàng phá vỡ truyền thống "tổng thống hai nhiệm kỳ", Roosevelt nói với khán giả tại Milwaukee rằng những lời hùng biện chính trị sôi nổi của ông đã góp phần dẫn đến vụ nổ súng.

“Đó là một điều hết sức tự nhiên”, ông nói, “những tâm trí yếu đuối và xấu xa sẽ bị kích động đi đến hành động bạo lực do kiểu nói dối và lạm dụng khủng khiếp mà báo chí đã dồn dập nhắm vào tôi trong ba tháng qua”.

Kẻ “yếu đuối” chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt là John Schrank, 36 tuổi, một chủ quán rượu thất nghiệp ở New York City. Một tờ giấy viết tay được tìm thấy trong túi của anh ta phản ánh những suy nghĩ rắc rối của một người bị tâm thần phân liệt hoang tưởng.

Báo chí Mỹ đưa tin và ảnh của tay súng bắn cựu Tổng thống Roosevelt ở Milwaukee năm 1912. Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel

Báo chí Mỹ đưa tin và ảnh của tay súng bắn cựu Tổng thống Roosevelt ở Milwaukee năm 1912. Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel

“Gửi người dân Hoa Kỳ”, Schrank viết, “Trong một giấc mơ, tôi thấy Tổng thống McKinley ngồi dậy trong quan tài và chỉ vào một người đàn ông mặc trang phục tu sĩ mà tôi nhận ra là Theodore Roosevelt. Vị tổng thống đã chết nói - Đây là kẻ giết tôi - hãy trả thù cho cái chết của tôi”.

Schrank cũng tuyên bố anh ta hành động để bảo vệ truyền thống hai nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ, chứ “không có ý định giết công dân Roosevelt”.

Cuối cùng Schrank đã nhận tội, được xác định là bị mất trí và bị giam suốt đời trong một trại tị nạn ở bang Wisconsin.

Trong khi đó, các bác sĩ nhận định rằng việc để viên đạn nằm yên sau khi găm sâu vào ngực Roosevelt sẽ an toàn hơn là phẫu thuật lấy nó ra. Mặc dù vậy, vụ nổ súng đã khiến bệnh viêm khớp dạng thấp mãn tính của ông trở nên trầm trọng hơn trong suốt quãng đời còn lại.

Âm mưu ám sát đã tạo ra một làn sóng thiện cảm với Roosevelt, nhưng không đủ để ông giành chiến thắng. Sự chia rẽ của Đảng Cộng hòa đã dẫn đến chiến thắng dễ dàng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Woodrow Wilson trong Ngày bầu cử. Roosevelt đứng thứ hai với 27% phiếu bầu, tỷ lệ cao nhất dành cho bất kỳ ứng cử viên của đảng thứ ba nào trong lịch sử Hoa Kỳ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History, NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/cuu-tong-thong-my-bi-ban-trung-nguc-van-dien-thuyet-trong-90-phut-20240718190244484.htm
Zalo