Cựu chiến binh Hưng Yên: Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Với tinh thần "cựu nhưng không cũ”, những cựu chiến binh (CCB) tỉnh Hưng Yên từng vào sinh ra tử nơi chiến trường để giành độc lập, tự do cho dân tộc; trở về với đời thường họ tiếp tục tiên phong trên mặt trận kinh tế, tích cực tham các hoạt động, phong trào của địa phương.

Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại. Ảnh: tư liệu

Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại. Ảnh: tư liệu

Xông pha thời chiến

Tháng 12/1970, chàng thanh niên 17 tuổi Hoàng Ngọc Thảo (xã Hưng Hà) xung phong nhập ngũ, thành lính lái xe Binh đoàn Trường Sơn. 5 năm trên những chiếc xe “không kính” xẻ dọc Trường Sơn dưới làn mưa bom, bão đạn của địch, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, ông Thảo không còn nhớ mình cùng đồng đội đưa bao nhiêu chuyến hàng tiếp ứng cho chiến trường miền Nam, mà chỉ nhớ nhiều năm ông được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ lái xe Trường Sơn”. Năm 1977, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Hoàng Ngọc Thảo vẫn trực tiếp chở vũ khí, hàng hóa phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 2/1975, ông Vũ Văn Thắng (phường Phố Hiến) nhập ngũ và được đầu quân làm lính thông tin của Sư đoàn 320 Quân đoàn 1, thần tốc hành quân vào Nam chiến đấu. Ông Thắng kể: Ngày ấy, chúng tôi vừa đi vừa huấn luyện. Càng tiến vào chiến trường miền Nam, bom đạn càng khốc liệt, nhưng ai cũng xác định tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những người làm công tác thông tin hữu tuyến càng đòi hỏi sự kiên cường, bởi dù bom đạn cày xới thì vẫn phải bảo đảm đường dây thông tin để việc chỉ huy chiến dịch thông suốt, kịp thời.

CCB Vũ Văn Thắng, phường Phố Hiến trân trọng lưu giữ những kỷ niệm cùng đồng đội.

CCB Vũ Văn Thắng, phường Phố Hiến trân trọng lưu giữ những kỷ niệm cùng đồng đội.

Ngày 29/4/1975, đơn vị của ông Thắng được lệnh phối hợp với các lực lượng khác tiêu diệt địch ở Tân Uyên, Lái Thiêu, thọc sâu vào Sài Gòn. Ngày 30/4/1975 lịch sử, đơn vị của ông tiếp tục hành quân về Gia Định, tiến đánh và tiếp quản Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Khi nghe tin quân địch đầu hàng vô điều kiện, từ những giờ phút im lặng đến nghẹt thở để đánh địch đến khi bộ đội, nhân dân ta đổ xuống đường cầm cờ đỏ sao vàng hát khúc khải hoàn, niềm vui không tả hết bằng lời.

Cống hiến thời bình

Năm 1991, đánh dấu bước ngoặt lớn khi ông Hoàng Ngọc Thảo nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế tư nhân nên quyết định xin nghỉ công việc tại 1 cơ quan nhà nước, thành lập Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh vật tư công nông nghiệp và Xây dựng Trường Giang. Vượt qua khó khăn, thử thách, Công ty ngày một phát triển, không chỉ mua được đội xe ô tô hàng chục chiếc, mà còn đóng đội tàu chở hàng từ nhà máy đến người tiêu dùng, thiết lập mạng lưới phân phối với hàng trăm đại lý. Năm 2012, ông Thảo tiếp tục hợp tác thành lập công ty may, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, tạo việc làm cho 400 lao động.

Ông Hoàng Ngọc Thảo động viên cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ông Hoàng Ngọc Thảo động viên cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Cách đây 6 năm, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà hoạt động yếu kém, ông Thảo quyết định đầu tư trở thành cổ đông chính. Dưới sự điều hành của CCB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Ngọc Thảo, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà từng bước lấy lại lòng tin của người bệnh bằng trình độ, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên và trang thiết bị y tế hiện đại. Hằng năm, Bệnh viện khám, chữa bệnh cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân. Ông Hoàng Ngọc Thảo cho biết: Năm 2025, Bệnh viện tiếp tục lập dự án mở rộng quy mô đầu tư khoảng 100 tỷ đồng với đầy đủ các khoa, phòng, các kỹ thuật chuyên sâu và 100 giường bệnh để phục vụ Nhân dân khu vực phía Nam của tỉnh.

Ông Trần Văn Vực kiểm tra chất lượng sản phẩm găng tay trước khi xuất khẩu.

Ông Trần Văn Vực kiểm tra chất lượng sản phẩm găng tay trước khi xuất khẩu.

Phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, trở về sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1990, bệnh binh, CCB Trần Văn Vực (xã Tiên La) khởi nghiệp bằng nghề dệt truyền thống của quê hương. 3 năm sau đó, Công ty TNHH Toàn Thắng được thành lập. Vốn là người nhạy bén, ông sang Hàn Quốc tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Vực và tập thể cán bộ, công nhân, đến nay, Công ty TNHH Toàn Thắng xuất khẩu hàng trăm tấn sản phẩm/năm sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 9.768 mô hình sản xuất, kinh doanh do CCB làm chủ; toàn tỉnh duy trì 463 tổ CCB tự quản về an ninh trật tự; 330 tổ CCB tự quản về an toàn giao thông... Các CCB còn viết tiếp câu chuyện hòa bình khi tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”, điển hình như ông Hoàng Ngọc Thảo cùng doanh nghiệp phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cới (xã Hưng Hà); khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.000 lượt CCB, người nghèo, đóng góp 400 - 600 triệu đồng/năm cho các hoạt động chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng công trình phúc lợi. Ông Trần Văn Vực cùng Công ty TNHH Toàn Thắng phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảo (xã Tiên La); tạo việc làm cho hàng chục lao động là con các CCB, người thuộc hộ nghèo...

Xông pha trong chiến đấu, gương mẫu trong thời bình, nhiệt tình trong các phong trào thi đua, những cựu chiến binh như ông Thảo, ông Vực, ông Thắng luôn tâm niệm: còn sức khỏe là còn cống hiến. Họ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, sống để cống hiến, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

Lệ Thu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/cuu-chien-binh-hung-yen-xong-pha-thoi-chien-cong-hien-thoi-binh-3183038.html
Zalo