Cường kích Su-25 Ukraine gắn bom tăng tầm HAMMER của Pháp

Ukraine tinh chỉnh cường kích Su-25 để có thể ném bom tăng tầm HAMMER do Pháp viện trợ, điều này giúp không quân Kiev có thêm phương án tập kích đối phương từ xa.

"Cường kích Su-25 của chúng tôi đã được nâng cấp và hiện có thể thả bom dẫn đường tăng tầm HAMMER. Ukraine đang sử dụng rất thành công loại bom này", tướng Serhiy Holubtsov, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Không quân Ukraine, cho biết hôm 10/6.

Tướng Holubtsov cho biết vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Kiev đã có sẵn kho bom đạn không dẫn đường dành cho cường kích Su-25.

Tướng Holubtsov cho biết vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Kiev đã có sẵn kho bom đạn không dẫn đường dành cho cường kích Su-25.

Tuy nhiên, số đạn này nhanh chóng cạn kiệt trong năm đầu tiên của chiến sự.

Mỹ sau đó chuyển giao cho Ukraine khoảng 4.000 rocket không đối đất Zuni để trang bị cho chiến đấu cơ Su-25. Dù vậy, số rocket Zuni giờ cũng đã cạn.

Để có thể tiếp tục duy trì dòng Su-25 trong biên chế, không quân Ukraine đã chỉnh sửa mẫu cường kích này để nó có thể khai hỏa cả bom dẫn đường AASM HAMMER của Pháp.

Tướng Holubtsov đánh giá sự kết hợp giữa Su-25 và bom HAMMER là "rất hiệu quả".

Pháp đã cam kết cung cấp thêm ít nhất 300 quả HAMMER cho Ukraine, bên cạnh 50 quả Paris đã chuyển giao trước đó.

HAMMER do tập đoàn quốc phòng Safar của Pháp phát triển từ những năm 1990, được đưa vào biên chế quân đội nước này từ năm 2007.

Về mặt kỹ thuật, nó là loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh bằng việc gắn thêm kit chuyển đổi, tương tự dòng JDAM của Mỹ.

Bản tiêu chuẩn gồm một quả bom 250 kg với hệ thống dẫn đường gắn ở phần mũi và bộ kit tăng tầm (REK) ở phần đuôi.

Ngoài ra, HAMMER còn có các phiên bản sử dụng bom 100 kg, 500 kg và 1.000 kg.

Kit chuyển đổi của của bom HAMMER cũng có thể được dùng với bom xuyên phá boong-ke BLU-109/B nặng 900 kg của Mỹ.

Bom sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh GPS, giúp nó có thể tấn công chính xác mục tiêu cố định đã được cung cấp tọa độ cụ thể.

Một số biến thể được trang bị hệ thống dẫn đường ở pha cuối, như đầu dò laser bán chủ động hoặc cảm biến ảnh hồng ngoại, giúp nó có thể tập kích cả mục tiêu di động và tăng độ chính xác của đòn đánh.

Tập đoàn Safar cũng cung cấp các tùy chọn dẫn đường khác để bom HAMMER có thể hoạt động ở môi trường không có định vị vệ tinh GPS, nhằm đối phó biện pháp tác chiến điện tử, gây nhiễu của Nga.

Điểm khác biệt của bom HAMMER so với dòng JDAM là nó được trang bị thêm động cơ rocket sử dụng nhiên liệu rắn, lý do khiến nó còn được gọi là tên lửa.

Bom HAMMER và JDAM-ER, phiên bản được trang bị kit tăng tầm của JDAM, đều có tầm bay tối đa khoảng 70 km khi được thả ở độ cao lớn.

Mẫu bom HAMMER của Pháp có thể bay xa hơn khi thả ở độ cao thấp nhờ có động cơ rocket, điều mà dòng JDAM không có.

Động cơ rocket và hệ thống dẫn đường cũng giúp bom HAMMER có thể bay theo quỹ đạo thẳng hoặc hướng lên trên, thay vì chỉ hướng xuống như bom JDAM.

Điều này giúp nó có thể bay qua địa hình đồi núi, cũng như phóng từ khu vực có nhiều vật cản, dễ ẩn nấp.

"Bom HAMMER sẽ mang tới cho không quân Ukraine năng lực tấn công chính xác lực lượng Nga, bao gồm cả những mục tiêu ở xa tiền tuyến", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định.

"Tầm bay xa của nó giúp phi công có thể tung đòn đánh ở ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không đối phương, giảm nguy cơ bị bắn hạ", ông Joseph Trevithick kết luận.

"Về mặt chiến thuật, bom HAMMER rất phù hợp với phi cơ Su-25. Nó có thể được phóng ở độ cao thấp, vị trí cường kích Su-25 có cơ hội sống sót cao nhất", chuyên gia quân sự Thomas Newdick của War Zone nhận định.

"Su-25 trước đó từng sử dụng chiến thuật phóng đạn không dẫn đường theo quỹ đạo hướng lên trên để tăng tầm bay, song bom HAMMER còn giúp nó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn nữa. Quả đạn cũng khó đánh chặn hơn nhiều", ông Thomas Newdick nói thêm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuong-kich-su-25-ukraine-gan-bom-tang-tam-hammer-cua-phap-post579414.antd
Zalo