Cưỡng chế dự án trường tư thục quốc tế 'chết yểu' trên khu 'đất vàng' bỏ hoang 10 năm
Do chủ dự án trường học 'chết yểu' trên khu 'đất vàng' không bàn giao mặt bằng, buộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa phải tiến hành cưỡng chế
Chiều ngày 11-12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương (TP Thanh Hóa).
Theo hồ sơ, tháng 5-2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao 40.387 m2 đất (hơn 4 ha) cho Công ty TNHH Tây Đô để triển khai dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa. Đây là dự án trường học tư thục có quy mô quốc tế đầu tiên ở Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.
Để triển khai dự án, Công ty TNHH Tây Đô đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa vay 144 tỉ đồng, vốn đối ứng của công ty là 62,6 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Thế nhưng, sau khi giải ngân được trên 77 tỉ đồng (tháng 2-2010) thì bất ngờ Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa ngừng giải ngân vì cho rằng phía Công ty TNHH Tây Đô không thực hiện đúng với nội dung trong hợp đồng vay vốn tín dụng giữa hai bên.
Đến tháng 10-2012, Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa phát đơn khởi kiện Công ty TNHH Tây Đô ra tòa. Theo Bản án số 06 năm 2013 của TAND tỉnh Thanh Hóa, buộc Công ty TNHH Tây Đô phải trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam số tiền hơn 109 tỉ đồng.
Do Công ty TNHH Tây Đô không tự nguyện thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá tài sản (định giá hơn 268 tỉ đồng tại thời điểm thẩm định tháng 4-2019) và tiến hành bán đấu giá.
Quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Tây Đô đã có nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đã được cơ quan chức năng từ cơ sở đến trung ương giải quyết. Theo đó, cơ quan chức năng khẳng định việc bán đấu giá tài sản thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ là đúng quy định.
Sau 15 lần giảm giá và 19 lần bán đấu giá, đến ngày 7-3-2024, tài sản mới đấu giá thành công bằng hình thức đấu giá trực tuyến. Người mua trúng đấu giá là Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh, với số tiền hơn 88 tỉ đồng.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng bán và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh đã nộp đủ tiền mua trúng đấu giá.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản và tiến hành làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Tây Đô và 34 tổ chức, hộ gia đình cá nhân để yêu cầu bàn giao tài sản thi hành án đã bán đấu giá cho người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Tây Đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu trên không đồng thuận, tiếp tục có nhiều đơn gửi đến cơ quan chức năng.
Trước diễn biến vụ việc phức tạp, đã kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự... Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp VKSND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị và được VKSND Tối cao thụ lý, kiểm sát nội dung vụ việc và kết luận việc thực hiện các quy trình thi hành án (kê biên, định giá tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo ...), tổ chức bán đấu giá tài sản, xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án là đúng quy định của pháp luật.
Để bàn giao tài sản cho người mua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Kế hoạch cưỡng chế bắt buộc, thời gian thực hiện từ ngày 16-12-2024 cho đến khi hoàn thành (đã có thông báo cưỡng chế đến Công ty TNHH Tây Đô và tổ chức, cá nhân có liên quan).
Theo quy định về bán đấu giá tài sản, sau thời điểm người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền, trong thời hạn 30 ngày (trường hợp có khó khăn, phức tạp không quá 60 ngày) người bán đấu giá phải bàn giao tài sản cho người mua.
Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tọa lạc trên khu "đất vàng" trên trục đường đại lộ Lê Lợi, một trong những con đường sầm uất nhất TP Thanh Hóa. Thế nhưng, do dự án "chết yểu" nên suốt 10 năm qua, công trình này bị bỏ hoang.
Nhiều quán ăn, cà phê, nhà kho, xưởng cơ khí… được mở trái phép bên trong khuôn viên khu đất gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách và gây bức xúc trong dư luận người dân.