'Cuối tuần tiền mặt' - Gen Z trở lại với cách thức thanh toán truyền thống

Giới trẻ hiện nay đang thúc đẩy xu hướng 'cuối tuần chỉ dùng tiền mặt' để kiểm soát tài chính và tránh chi tiêu bốc đồng…

Không dùng thẻ. Không Apple Pay. Không ngoại lệ. Khi tiền hết, cuộc vui cũng kết thúc. Xu hướng sử dụng tiền mặt đang dần trở lại, ít nhất là vào những ngày cuối tuần.

Nhiều bạn trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đang thúc đẩy “mẹo” tài chính quen thuộc trên mạng xã hội - đó là sử dụng tiền mặt vào một số ngày trong tuần để giới hạn chi tiêu và quản lý ngân sách một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, các bạn trẻ chủ yếu áp dụng cách thức rút một khoản tiền cố định vào thứ Sáu và chỉ tiêu đúng số tiền đó cho đến hết Chủ Nhật.

Trào lưu này xuất phát từ thực tế rằng nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy chi tiêu mất kiểm soát khi sử dụng thẻ tín dụng, ví kỹ thuật số hay chuyển khoản QR chỉ với những thao tác nhanh gọn nhất. Theo chuyên gia tài chính Nadia Vanderhall - nhà sáng lập The Brands and Bands - chia sẻ với tạp chí Bustle, phần lớn mọi người đã quen với việc chỉ cần chạm điện thoại, chạm thẻ để thanh toán mà chưa chắc đã cần mở túi ra. “Chỉ cần chạm một cái là xong. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta khó kiểm soát được mình đã chi bao nhiêu", bà Vanderhall nói.

Và đó chính là lý do vì sao xu hướng "trở về với tiền mặt" đang ngày càng phổ biến, không chỉ giúp các bạn trẻ tiết kiệm mà còn hướng họ tới thói quen chi tiêu có mục đích hơn.

Một “cuối tuần tiền mặt” sẽ buộc người dùng phải suy nghĩ kĩ trước quyết định mua sắm, bởi lẽ sau mỗi lần rút ví, sẽ thấy rõ được số tiền đang vơi đi.

Bà Vanderhall khuyến nghị những ai muốn áp dụng phương pháp này, hãy xác định ngân sách cho cuối tuần, rút đúng số tiền đó vào thứ Sáu và cam kết chỉ dùng số tiền đó đến hết Chủ nhật. Khi bạn trực tiếp nhìn thấy tiền mặt biến mất sau mỗi lần chi tiêu, bạn sẽ giảm bớt ham muốn mua sắm bốc đồng, ví dụ như một ly latte đắt đỏ hay những món đồ "vô thưởng vô phạt" bày gần quầy tính tiền.

Ngoài ra, Gen Z cũng đang thử nhiều cách tiết kiệm khác như “thuế tự thưởng” và “quy tắc 1%”. Với “thuế tự thưởng”, mỗi lần mua hàng theo cảm hứng (như cà phê 7 USD, son bóng 30 USD hay túi xách 250 USD), bạn sẽ phải chuyển khoản số tiền tương đương vào tài khoản tiết kiệm. Vừa mua sắm, vừa tiết kiệm sẽ giảm bớt được cảm giác tội lỗi.

Còn “quy tắc 1%” thì càng đơn giản hơn, nếu món đồ định mua có giá trị vượt quá 1% thu nhập hàng năm, hãy chờ 24 - 48 giờ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ, nếu thu nhập là 50.000 USD/năm, bất cứ món nào trên 500 USD đều cần thời gian suy xét. Nếu sau một đến hai ngày mà bạn vẫn muốn mua, hãy mua. Còn không, bạn đã tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Sự nổi lên của những xu hướng tiết kiệm này là rất đáng chú ý, đặc biệt khi Gen Z được dự đoán là thế hệ có mức chi tiêu cao nhất trong lịch sử, theo báo cáo mới nhất từ NielsenIQ. Dự kiến đến năm 2030, tổng mức chi tiêu của thế hệ này sẽ đạt 12.600 tỷ USD, tương đương 18,7% tổng chi tiêu toàn cầu, qua đó có thể tái định hình các thị trường và xu hướng tiêu dùng.

Động lực chính thúc đẩy sức mạnh kinh tế của Gen Z nằm ở quy mô dân số vượt trội. Nghiên cứu từ World Data Lab cho thấy Gen Z có thể sẽ là thế hệ duy nhất đạt mốc 2 tỷ người, chiếm khoảng một phần tư dân số toàn cầu.

Ngoài ra, Gen Z còn sở hữu nhiều đặc điểm khác biệt. Đây là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong môi trường số, chưa từng sống mà không có smartphone hay mạng xã hội. Nhờ vậy, họ được xem là “công dân kỹ thuật số”, với thói quen mua sắm và tìm hiểu sản phẩm trực tuyến. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp là nhóm hàng được họ ưa chuộng nhất trên các nền tảng xã hội.

Song song với đó, Gen Z còn đặc biệt quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như môi trường, sự đa dạng và nguồn gốc đạo đức của sản phẩm, dù vậy, chất lượng và giá cả vẫn là những yếu tố chính quyết định hành vi mua sắm.

Khi sức chi tiêu của Gen Z ngày càng tăng, ảnh hưởng của họ lên nền kinh tế cũng ngày càng rõ nét. Chẳng hạn, nhu cầu với các sản phẩm bền vững như xe điện (EV) hoặc các sản phẩm kỹ thuật số như tiền mã hóa có thể gia tăng mạnh.

Với quy mô khổng lồ, sự thành thạo công nghệ và các ưu tiên tiêu dùng ngày càng mang tính định hướng, Gen Z đang trong quá trình trở thành lực lượng dẫn dắt thị trường tiêu dùng thế giới trong thập kỷ tới.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuoi-tuan-tien-mat-gen-z-tro-lai-voi-cach-thuc-thanh-toan-truyen-thong-post561589.html
Zalo