Cuộc gọi rác chiếm hơn một nửa số lượng phản ánh của người dùng di động

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 10 tháng đầu năm 2024 có tới 441.000 lượt phản ánh về cuộc gọi rác, chiếm 52% số lượng phản ánh về tổng đài 156/5656.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo (Tổng đài 156/5656) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận gần 850.000 lượt phản ánh của người sử dụng.

Cụ thể, trong 850.000 phản ánh của người dùng, khoảng 185.000 lượt phản ánh liên quan đến tin nhắn rác (chiếm 22%), 441.000 lượt phản ánh về cuộc gọi rác (52%) và 222.000 phản ánh về các cuộc gọi lừa đảo (26%).

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), 25% trong số này là các cuộc gọi nháy máy làm phiền, 20% liên quan đến đòi nợ, tín dụng, 20% là các quảng cáo dịch vụ du lịch, bất động sản...

Đáng chú ý, khoảng 15% số phản ánh đến từ các vụ lừa đảo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ làm việc online, điểm danh nhận quà, đầu tư chứng khoán, mạo danh cơ quan nhà nước như công an, tòa án, ngân hàng, điện lực,... 5% các phản ánh là lời mời chào tham gia cờ bạc, cá độ, lô đề trực tuyến.

Toàn bộ những phản ánh này đều được chuyển trực tiếp tới các nhà mạng và các doanh nghiệp viễn thông đã và đang xử lý với tỷ lệ tương đối cao.

Theo đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), qua số liệu thống kê có thể thấy tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn còn tồn tại. Tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân như vấn đề SIM rác, lộ lọt thông tin cá nhân của người dùng.

Đại diện VNCERT/CC cho hay người dùng hiện vẫn chưa biết cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Với sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, nhiều người sống trên mạng ảo còn nhiều hơn đời thực. Có những người ở đời thực rất ít chia sẻ nhưng trên mạng lại trở thành một con người khác. Đi đâu, ăn gì đều chia sẻ trên mạng. Các nội dung này có thể vô tình bị các nền tảng mạng xã hội khai thác, từ đó nắm được hành vi của người dùng.

Đại diện VNCERT/CC cũng chia sẻ thông tin của người dùng được rao bán rất nhiều trên các hội nhóm kín. Nếu muốn lấy thông tin một tệp khách hàng, chỉ cần lên mạng, bỏ một chút kinh phí là có thể mua lại. Do vậy, người dùng cần phải biết cách bảo vệ thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, các cuộc gọi, tin nhắn rác được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau. Tin nhắn rác có thể được sử dụng nhằm quảng cáo mời chào dịch vụ nội dung.

Người nháy máy tạo cuộc gọi nhỡ có thể nhằm mục đích để người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin lại đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc quảng cáo.

Các cuộc gọi, tin nhắn rác cũng có thể được dùng làm một kênh để mời chào mua bán bất động sản, bảo hiểm, du lịch, đầu tư chứng khoán, cho vay, tín dụng đen, quảng cáo game cờ bạc, thậm chí mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đòi nợ, dọa nạt tống tiền,...

Trước thực trạng trên, để giải quyết tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã điều phối các nhà mạng rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, xây dựng, triển khai các hệ thống chặn lọc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...

Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, hoạt động đăng ký, lưu trữ, sử dụng thông tin thuê bao di động, nhất là với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường, mục đích sử dụng không rõ ràng, không phù hợp với nhu cầu thực tế./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-goi-rac-chiem-hon-mot-nua-so-luong-phan-anh-cua-nguoi-dung-di-dong-post995627.vnp
Zalo