Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định với nhà báo Madeleine Riffaud
Một buổi chiều thu năm 1987, nhà báo Madeleine Riffaud đã có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Nữ tướng Nguyễn Thị Định thân mật, bất ngờ tại Hà Nội.
Tại cuộc gặp, bà M. Riffaud hồ hởi nhắc lại chuyến đi thăm vùng giải phóng của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với bao ấn tượng sâu sắc. Bà M. Riffaud chia sẻ kỷ niệm 20 năm trước, bà đã gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định tại vùng giải phóng và trong buổi gặp năm 1987, Nữ tướng đã giữ cương vị Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Nhà báo M. Riffaud đặc biệt ấn tượng với đội quân tóc dài độc đáo đấu tranh chính trị, binh vận hiệp đồng, tay không có vũ khí mà trước họng súng, các mẹ và các chị đã khiến kẻ địch phải chùn tay, bớt hung hăng, Hội mẹ chiến sĩ cũng là sáng kiến khiến bao chiến sĩ trẻ măng được các mẹ thương yêu chăm sóc như mẹ ruột.
Trong cuộc gặp, nhà báo M. Riffaud chia sẻ kỷ niệm, sau khi thăm vùng giải phóng, bà ra thăm miền Bắc, thi sĩ Xuân Diệu đã dịch cho bà một chùm thơ của Trần Đăng Khoa lúc đó 10 tuổi đã có những bài thơ làm lay động lòng người và trẻ em trên thế giới. Trở về Paris (Pháp), bà đã đăng phóng sự về cả 2 miền Nam, Bắc trên báo Nhân đạo Chủ nhật. Bài viết của bà đã làm dư luận thế giới hiểu hơn về chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Cả già trẻ, trai gái đều thể hiện cái "không sợ Mỹ" vì các cô gái thanh niên xung phong vẫn cất cao tiếng hát và trẻ em biết làm thơ khi bom nổ ngày đêm thể hiện ở 4 câu thơ của em nhỏ học sinh Trần Đăng Khoa gửi:
… Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu
(Trích thơ gửi bạn Chilê - 1968)
Trong cuộc gặp ấy, cô Ba Định trong đáp từ đã hỏi ngay:
- Nhân dịp khánh thành Bảo Tàng Phụ nữ Việt Nam, tôi thấy thiếu kỷ vật của bạn trong chuyến thăm quí hóa đó. Nếu bạn còn giữ bộ bà ba đen, mũ tai bèo với khăn rằn năm 1968 thì gửi cho chúng tôi ngay để Bảo tàng Phụ nữ lưu giữ kỷ vật của bạn.
Bà M. Riffaud trả lời:
- Là phóng viên chiến trường đi nhiều nơi, mình làm sao giữ lại được. À, may ra còn tấm khăn choàng bằng dù chiến lợi phẩm màu xanh các bạn đã tặng hồi đó.
- Nếu tìm lại được, tôi sẽ gửi ngay. Vâng, suýt nữa quên món quà này tặng bạn và Hội LHPN Việt Nam.
Nói rồi bà M. Riffaud lấy trong cặp sách một cuốn sách bìa cứng in đẹp, trân trọng đưa tặng cô Ba Định và giới thiệu:
- Đây là cuốn sách chúng tôi sưu tầm lại những chuyện kể của các phụ nữ Pháp đã tham gia kháng chiến chống phát Xít Hit-le trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
- Cảm ơn bạn. Tặng phẩm quý giá này thể hiện tình cảm hữu nghị giữa phụ nữ Pháp và Việt Nam. Chúng tôi sẽ lưu giữ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cô Ba Định nói.
Còn bao chuyện muốn nói nhưng bà M. Riffaud nhìn đồng hồ và lại xin lỗi phải từ biệt vì còn có cuộc hẹn tiếp.
Bà Madeleine Riffaud, phóng viên chiến trường gắn bó với Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Ảnh: FRANCE24
Bà Madeleine Riffaud (1924 – 2024), sinh tại làng Arvillers thuộc tỉnh Somme ở phía Bắc nước Pháp, là một chiến sĩ kháng chiến, nhà thơ và nhà báo người Pháp. Tham gia chống phát xít Đức từ khi mới 18 tuổi, bà đã trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng Pháp biểu tượng cho lòng dũng cảm trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Không chỉ là một trong những phóng viên chiến trường đầu tiên của Pháp tại Việt Nam và Algérie, bà cũng là một trong những nhà hoạt động chống chủ nghĩa thực dân đầu tiên.
Bà là Madeleine Riffaud, phóng viên của tạp chí La Vie Ouvrìere (Đời sống Công nhân) và sau đó là nhật báo L'Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Bà cũng là một trong những phóng viên chiến trường nước ngoài đầu tiên được mời đến chứng kiến cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ tại Việt Nam vào giai đoạn này. Không chỉ yêu quý và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia, mà sau này bà vẫn dành trọn tình cảm của mình cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Để bày tỏ sự biết ơn và ghi nhận những đóng góp lớn lao của bà Madeleine Riffaud đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã trao tặng bà Madeleine Riffaud Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vào năm 1984 và Huân chương Hữu nghị năm 2004.